Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mở lớp học hè, đôi bên cùng lợi


Cứ sắp đến kỳ nghỉ hè các bậc cha mẹ lại rộ lên mối lo chung mang tên "tìm nơi gửi trẻ". Đặc biệt đối với phụ huynh có con ở lứa tuổi mầm non ở các thành phố lớn thì đây luôn là mối lo thường trực và chính đáng mỗi dịp hè về.


Các cha mẹ có con ở lớp trẻ 3, 4 tuổi đặc biệt quan tâm đến các lớp trông trẻ dịp nghỉ hè. Ảnh: Lộc Hà


Nhu cầu thực tế
Thời điểm cách ngày bế giảng năm học khoảng 3 tuần, nhiều trường mầm non tại Hà Nội đã tổ chức họp phụ huynh để tổng kết năm học và thông báo phương án tổ chức trông giữ trẻ dịp hè.


Theo kế hoạch và quy định chung của ngành Giáo dục, giáo viên và trẻ mầm non được nghỉ hè 2 tháng (tháng 6, 7). Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của giáo viên mầm non theo chế độ và hạn ngạch hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế, kỳ nghỉ của giáo viên lại làm nên mối lo lớn không chỉ cho các bậc phụ huynh làm công chức mà cả những phụ huynh là lao động tự do.


Trẻ nghỉ hè thời gian dài sẽ làm đảo lộn sinh hoạt bình thường của gia đình. Việc chăm sóc ăn ngủ và trông giữ trẻ thế nào cho an toàn trong khi quỹ thời gian hạn chế là chuyện của bất cứ gia đình nào có con ở độ tuổi này.


Nhiều phụ huynh chia sẻ, ngay từ đầu tháng Năm, cách thời điểm nghỉ hè của các con 1 tháng, họ đã phải lên phương án "ứng phó".


Chị Hạnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con 4 tuổi, tâm sự: Hai vợ chồng cùng làm việc trong cơ quan nhà nước, ông bà nội ngoại đều ở quê xa, nhà không có người giúp việc nên con nghỉ học vài ngày đã là vấn đề chứ đừng nói đến nghỉ hè theo quy định cả tháng.


Thời gian cháu nghỉ hè, hai vợ chồng phải thay phiên nhau nghỉ phép để ở nhà trông nom. Rất may, trường mầm non nơi cháu theo học chỉ nghỉ 1 tuần sau đó có lớp học hè tự nguyện nên cũng yên tâm phần nào.


Còn chị Thanh Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) lo lắng: Nhà tôi có một cháu 5 tuổi và một cháu 3 tuổi. Chúng tôi đang cân nhắc phương án mời ông bà ở quê lên trông hay giao con cho người giúp việc. Tuy vậy, phương án nào cũng bất ổn vì các cháu phải làm quen tạm thời với nếp sinh hoạt mới.


Tại buổi họp phụ huynh cuối năm của lớp mầm non 4 tuổi, trường mầm non Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội), hầu hết các bậc cha mẹ đều không muốn việc học hành, chăm sóc con trẻ bị xáo trộn, mọi người chỉ quan tâm đến lịch học hè cho con học hè ngay sau ngày bế giảng (30/5).


Chị Hương cho biết: Nhiều trường cho trẻ nghỉ ngày thứ Bảy, nếu gia đình nào muốn gửi con em mình thì đóng thêm học phí. Làm nghề tự do như chúng tôi, nếu nhà trường tổ chức trông các cháu cả ngày Chủ nhật thì chúng tôi cũng xin đăng ký gửi cháu vì học tập và vui chơi tại trường liên tục sẽ giúp các cháu có nếp sinh hoạt quy củ và khoa học hơn. Chúng tôi hiểu các giáo viên cũng cần có thời gian nghỉ để tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, nghỉ hè đối với các cháu tuổi mẫu giáo khiến công việc của phụ huynh bị xáo trộn nhiều.


Ngay cả tại các vùng nông thôn, miền núi thì nhu cầu gửi trẻ trong ngày hè là rất lớn. Trả lời câu hỏi về việc nghỉ hè của con gái 5 tuổi, chị Tuyết (Văn Chấn, Yên Bái) cho biết: Vợ chồng tôi quanh năm làm nương rẫy, dịp hè là dịp chính vụ thu hoạch quế nên việc cháu nghỉ hè ở nhà sẽ không có người chăm nom vì gia đình 2 bên đều ở cùng địa bàn.


Lợi cả đôi bên
Nắm được nhu cầu thực tế, trong kỳ nghỉ hè sắp tới, tại Hà Nội và TPHCM các trường mầm non sẽ mở lớp trong thời gian 2 tháng hè nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.


Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Thành phố TPHCM) - cho biết: Các trường mầm non trên địa bàn sẽ chính thức kết thúc năm học vào ngày 31/5. Từ 17/6 - 16/8, các trường sẽ mở lớp trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh trong dịp hè. Như vậy, nếu tham gia học hè, trẻ mầm non sẽ chỉ có khoảng 2 tuần nghỉ hè.


Tuy nhiên, các trường có thể tự bố trí, nhận trẻ ngay sau lễ bế giảng nếu thấy cần thiết. Việc giữ trẻ trong hè xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, mức phí do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận. Thời gian tới, Sở sẽ có hướng dẫn về việc thu phí giữ trẻ trong hè để các trường thông báo công khai đến phụ huynh.


Ngoài ra, các trường phải lưu ý bố trí thu xếp để giáo viên có thời gian nghỉ ngơi, không bắt buộc các cô phải tham gia dạy hè. Đồng thời, các trường phải đảm bảo mọi yêu cầu về an toàn, vệ sinh, ăn uống, dinh dưỡng... cho trẻ.


Trường Mầm non xã Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội) là một trong những trường mầm non mở cửa đón trẻ tham gia học hè sớm. Lễ bế giảng năm học được tổ chức ngày 30/5 (thứ Năm) thì đến ngày 2/6 các cháu lại được đón tới trường.


Cô Đỗ Thị Trịnh - Giáo viên trường Mầm non xã Mai Lâm - cho biết: 98% phụ huynh có đơn đăng ký cho con học hè, số ít còn lại các cháu là học sinh trái tuyến, nghỉ hè về chơi quê xa. Chúng tôi tổ chức dạy hè theo nhu cầu của đa số phụ huynh.


Trả lời cho câu hỏi về quyền được nghỉ hè 2 tháng theo quy định, cô Trịnh cho biết, được dạy dỗ các cháu là một niềm vui, thực tế giáo viên có thêm thu nhập nên hầu hết không cảm thấy áp lực gì.


Về những nội dung cần quan tâm trong tổ chức hoạt động hè, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo cần đảm bảo an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi; thực hiện nghiêm túc quy chế chăm sóc, vệ sinh cho trẻ; thực hiện nghiêm túc qui chế đón và trả trẻ; tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyệt đối không dạy trước chương trình ở các độ tuổi, đối với trẻ 5 tuổi không được dạy trước chương trình lớp 1 dưới bất kỳ hình thức nào....


Sở GD&ĐT TPHCM cũng có quy định nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về mức học phí trong hè. Sở chỉ đạo các trường tổ chức nhận giữ trẻ từ giữa tháng Sáu đến giữa tháng Tám trong dịp hè năm 2013.


Thời gian đó, giáo viên tổ chức các hoạt động văn - thể - mỹ, vui chơi ngoài trời... không giảng dạy như trong năm học. Ban giám hiệu các trường mầm non cần bố trí, sắp xếp cho giáo viên được nghỉ hè ít nhất 15 ngày để phục hồi sức khỏe và giải quyết việc cá nhân.


Thiết nghĩ, việc các trường mầm non tổ chức "giữ trẻ" trong dịp hè là một hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu thực tế của các bậc phụ huynh. Đây là hoạt động nhà trường và gia đình cùng có lợi. Trẻ vẫn có đủ điều kiện để được học và vui chơi cùng bạn bè và cô giáo tại trường mà không phải quá gò bó trong khuôn khổ của giáo trình lên lớp như trong năm học.


Theo GD&TĐ