Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trong 3 năm, gần 99% trẻ 5 tuổi được đến lớp


Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, cả nước đã có gần 1,4 triệu trẻ 5 tuổi (chiếm 98,6%) được đến lớp.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa. Ảnh: VGP/Thuý Hà


Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về việc thực hiện Đề án nói trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết tính đến tháng 3/2013, cả nước đã có 13.446 trường mầm non, tăng 735 trường (5,7%) so với năm 2010, trong đó có 11.886 trường công lập (chiếm 88,3%), tăng 30%. Có thêm 906 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 2.920 trường, tăng 5,5% so với năm 2010.


Trẻ em mẫu giáo vùng biên giới, núi cao, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em mẫu giáo mồ côi không nơi nương tựa và trẻ em mẫu giáo thuộc gia đình nghèo, đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non đều được hỗ trợ tiền ăn trưa, trẻ em dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1...


Ngành Giáo dục cũng như các địa phương gặp những khó khăn ra sao trong quá trình triển khai Đề án, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Theo Quyết định 239, đến cuối năm 2012 sẽ có 85% số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 6 tỉnh (Bắc Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Thái Bình) được công nhận đạt chuẩn.


Mặc dù số giáo viên mầm non là gần 277.000 người, với 83.601 giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi, đạt bình quân 1,6 giáo viên/lớp, 96,2% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên... nhưng đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng (cả nước còn thiếu 20.523 người), hạn chế về chất lượng (9.670 người chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo).


Cơ sở vật chất và nguồn tài chính chưa đáp ứng yêu cầu phổ cập. Số phòng học kiên cố của giáo dục mầm non là 77.156 (chiếm 51,9%), tăng 10,1% so với 2010, vẫn còn 16,6% (24.728) phòng học nhờ, phòng học tạm. Từ nay đến năm 2015 cần kiên cố 39.010 phòng học mầm non, trong đó có khoảng 14.100 phòng cho lớp mẫu giáo 5 tuổi, nhưng hiện chưa có nguồn tài chính để cân đối. Việc bố trí ngân sách thực hiện phổ cập gặp rất nhiều khó khăn.


Nguyên nhân chính của những hạn chế trên và cách khắc phục những bất cập để Đề án phát huy hết hiệu quả là gì, thưa bà?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Trước hết là do sự chỉ đạo của các địa phương đối với công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi chưa đồng đều. Nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch mạng lưới trường lớp, chưa dành quỹ đất đầu tư ngân sách xây dựng trường lớp mầm non. Nhiều tỉnh, thành chưa chú trọng xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên...


Mặt khác, Quyết định số 239 được ban hành trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước chi cho Đề án trong 3 năm qua mới chỉ đạt khoảng 40%.


Để khắc phục có hiệu quả những khó khăn trên thì vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng trong việc chỉ đạo, huy động nguồn lực cần thiết để thực hiện được mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho tất cả trẻ em 5 tuổi.


Đồng thời, phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, nhất là vùng cao, vùng khó khăn... đáp ứng yêu cầu tăng huy động trẻ 5 tuổi và giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi đến lớp; Tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; Nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo vùng, miền...


Tập trung các nguồn lực, ưu tiên ngân sách chi thường xuyên và chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục cho nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 5 tuổi.


Cả nước hiện có 13.229 trường (98,4%) với gần 4 triệu trẻ (93,6%) thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, tăng hơn 32% so với năm 2010.


Theo Chinhphu.vn