Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chàng trai nhất quyết theo đuổi nghiệp "bảo mẫu"


Suốt 6 năm trời, chàng trai trẻ Lê Đăng Hạnh vẫn luôn hết lòng với công việc mà nhiều người gọi là "vắt nước dãi" cho trẻ con.


Đấu tranh để được... dạy trẻ con
Lê Đăng Hạnh (SN 1985) sinh trong một gia đình có 3 anh em trai ở xã Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Bố mẹ đều là công nhân lâm nghiệp. Thuở còn cắp sách tới trường, Hạnh đã "gắn duyên" với trẻ con trong làng. Cứ thấy ở đâu có bọn trẻ tụ tập là Hạnh lại lân la đến chơi cùng.


Thế nhưng, tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi bạn bè cùng lớp tất bật chuẩn bị hồ sơ vào các ngành kinh tế, xây dựng, kỹ sư... Hạnh lại lặng lẽ nộp hồ sơ vào ngành mầm non của Trường CĐSP Mầm non Nha Trang.


"Ngày cầm hồ sơ đi nộp, mấy đứa bạn lấy trộm ra xem và phát hiện mình đăng ký ngành mầm non, bọn nó liền đi rêu rao và cả lớp được trận cười nghiêng ngả", Hạnh nhớ lại.
Thế nhưng, chính thầy giáo chủ nhiệm lớp 12 là người đầu tiên ủng hộ Hạnh thi vào ngành đó, khi biết những tố chất có sẵn trong người của cậu học trò tinh nghịch.


Ngót 6 năm trời Hạnh vẫn luôn tận tụy với công việc "bảo mẫu" của mình.


Ban đầu, Hạnh không dám mở miệng nói cho gia đình biết mà chỉ đáp: "Con thi vào sư phạm, bố mẹ ạ!".


Hè năm 2004, Hạnh khăn gói đồ đạc, một mình khoác ba lô bắt xe đò vào Nha Trang dự thi. "Các môn học thì không vấn đề, thử thách lớn nhất khi thi vào ngành này là phần năng khiếu...", Hạnh nhớ lại. Thế nhưng, do năng khiếu bẩm sinh và có sự chuẩn bị chu đáo, chàng trai trẻ đã hoàn thành khá xuất sắc phần thi của mình.


Ngày nhận giấy báo nhập học, bố mẹ là người đầu tiên quyết liệt phản đối việc Hạnh đi học. Mất một thời gian làm công tác tư tưởng cho người thân, Hạnh hăm hở vào Nha Trang nhập học.


Năm đó, anh là sinh viên đặc biệt trong số hàng trăm sinh viên ngành mầm non của khóa. Lớp học có 48 sinh viên, nhưng chỉ duy nhất Hạnh là con trai.


Năm 2007, Hạnh cầm bằng tốt nghiệp Trường CĐSP Nha Trang, ngành mầm non về quê. Ngôi làng nhỏ lại dấy lên nhiều luồng dư luận. Người thì hâm mộ khi Hạnh là một trong ít người ở làng quê nghèo được ăn học đàng hoàng, nhưng cũng có người bĩu môi khi thấy con trai lại chọn cái ngành "vắt nước dãi" cho trẻ con.


Gia đình Hạnh cũng suy nghĩ rất nhiều. Biết được những điều đó, Hạnh đã quyết định không nộp hồ sơ xin việc ở xã mình, tránh ánh mắt xét nét của những người "tọc mạch". Trường Mầm non Quỳnh Phương là điểm đến của Hạnh.
Những kỷ niệm bi hài


Để theo đuổi ước mơ của mình, mỗi ngày Hạnh phải chạy xe gần 30 cây số để đến trường. Sáng dạy xong, thầy lại tá túc vào nhà người quen để ăn uống và nghỉ ngơi, chiều lại tiếp tục công việc, tối mới về nhà.
Thời gian đầu có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất của thầy giáo trẻ. Rất nhiều phụ huynh đã đồng loạt phản đối việc con em mình được xếp vào lớp học do một thầy giáo phụ trách.


Có phụ huynh còn lên tiếng "Con trai thì biết gì mà dạy trẻ con". Bỏ qua những ánh mắt không mấy thiện cảm của một số phụ huynh và đồng nghiệp, Hạnh vẫn hết mình trong công việc. Và rồi, những câu nói thân mật, những động tác múa rất dẻo và giọng hát đầy truyền cảm của anh đã nhanh chóng lấy lòng được các em và phụ huynh.


Chính từ những buổi học đó đã để lại cho thầy giáo trẻ những kỷ niệm khó quên về "việc làm mẹ". Có bé nghe thầy Hạnh kể chuyện hay quá, một hai cứ nằng nặc "Chú về nhà con ở, đêm chú kể chuyện cho con nghe đi! Mẹ con kể dở lắm, ngày nào cũng chỉ có mỗi một chuyện không à, con nghe mãi mà thuộc lòng rồi".


Có bé thì chạy lại, thầm thì vào tai Hạnh: "Chú lấy dì con nhé! Dì con xinh lắm! nhưng chưa có chồng. Cháu muốn chú lấy dì để hàng ngày chú dạy múa cho con". Hạnh bảo, cũng có lúc này lúc nọ nhưng các bé đáng yêu như thế, làm sao mà cáu giận cho được!.


Là con trai, nên lúc trước khi đi dạy, Hạnh làm gì biết đến việc đút cháo cho trẻ con, dỗ dành trẻ khóc nhè hay chuyện xử lý khi các cháu đi vệ sinh. Thế nhưng, giờ làm bảo mẫu cho "lớp mầm", gặp những tình huống này, anh đều giải quyết ngon lành. Có hôm chưa kịp xử lý cho bé này, thì bé khác lại có nhu cầu "giải quyết".


Thế nhưng, ngót 6 năm trời, Hạnh vẫn luôn hết lòng với công việc của mình. Thầy giáo trẻ đã chứng tỏ cho gia đình, bạn bè, phụ huynh và đồng nghiệp về năng lực và sự nhiệt huyết với nghề.


Hiện nay, Lê Đăng Hạnh đang phụ trách 35 cháu tại lớp nhỡ của trường Mầm non Quỳnh Phương. Khi được hỏi về dự định của mình, anh chia sẻ rất thật: "Có lẽ rồi em cũng sẽ cố gắng phấn đấu cho sự nghiệp tiến xa hơn, nhưng nếu được, em vẫn thích công việc trực tiếp dạy dỗ các bé hơn. Chơi được với trẻ con không dễ, nhưng đã chơi với chúng rồi thì không dứt ra được".


Theo Nguoiduatin.vn