Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ con ngày nay chơi gì?


Ngay từ nhỏ, tôi đã không để con mình thiếu những món đồ chơi hiện đại như xe điện tử, robot, những con thú bằng nhựa, những con thú bập bênh bằng gỗ... nhưng chẳng món nào hấp dẫn thằng bé đến... một tuần!


Ba tuổi, thằng bé bắt đầu vòi bố chiếc điện thoại với đầy ắp trò chơi hấp dẫn. Thằng bé nhớ cách thao tác rất nhanh và cũng rất giỏi mày mò trên những chiếc điện thoại lạ. Chiếc máy tính là sự lựa chọn ưa thích của nó chỉ sau chiếc điện thoại. Sáu tuổi, cu cậu đã biết gõ password và biết đoán mò những password đơn giản. Đứa con thứ hai ra đời sau đứa đầu 5 năm, nhưng khoảng cách không tạo nên sự khác biệt, bởi cả hai đều mê những trò chơi trên máy tính và điện thoại.

Cha mẹ cần hướng cho trẻ chơi những trò chơi nâng cao khả năng tư duy, vận động cơ thể...


Ngày xưa tôi cùng lũ bạn hàng xóm có đủ thứ trò chơi hấp dẫn, vừa nâng cao khả năng tư duy (như chơi ô ăn quan, cờ cá ngựa, cờ gánh...), vừa tốt cho sự vận động cơ thể (như nhảy dây, nhảy cò cò, nhảy ngựa, trốn tìm, chơi "u", chơi "keo"...), vừa luyện tập kỹ năng nhanh nhạy (chơi banh đũa, thảy đá...), nhưng bây giờ chẳng thấy đứa trẻ nào chơi mấy trò này. Muốn chúng chơi cầu lông, đá cầu thì không có sân. Tôi tập cho bọn trẻ chơi ô ăn quan hay cờ cá ngựa mua từ nhà sách nhưng chúng rất mau chán và cứ nằng nặc mượn máy tính, điện thoại để chơi game và đã chơi rồi thì rất khó dứt ra. Con tôi kể, ở trường các bạn của con truyền miệng nhau về mấy trò game online như đua xe, trồng hoa... và cho nhau đường link trên internet. Chúng còn khoe "thành tích" sau mỗi "mùa vụ" (trong game).


Để cách ly con khỏi mấy thiết bị số, tôi thường đưa chúng về quê nội nhưng bọn trẻ ở quê bị "vi tính hóa" còn sớm hơn tôi nghĩ, chúng còn rành game online hơn con tôi do những ông bố bà mẹ ở quê thường "thả lỏng" con mình hơn. Nhìn tụi nhỏ dán mắt vào màn hình vi tính, tôi thấy lo cho thị lực của chúng, lo tâm trí chúng bị ám ảnh bởi những âm thanh, hình ảnh bạo lực... Những cuốn truyện tranh lẫn sách khoa học với màu sắc, hình ảnh bắt mắt cũng không tạo được sự hứng thú ở chúng. Không được chơi game, chúng chuyển sang xem ti vi mà chương trình ti vi cũng chẳng còn an toàn bởi những nội dung không phù hợp (ngay cả loạt phim về Mr. Bean dành cho trẻ em cũng đầy những cảnh nhân vật chính hết mặc rồi lại cởi đồ). Tôi tranh thủ đưa con đi nhà sách, công viên. Còn những khu vui chơi có khu vực cho trẻ con như Suối Tiên, Đầm Sen, Đại Nam hoặc Kizcity không chỉ đường xa mà giá vé ở những chỗ này cũng không thể là sự lựa chọn với những gia đình có thu nhập trung bình như tôi.


Nhiều người không muốn con chơi game trong khi họ không có thời gian kiểm soát nên đành cho con đi học thêm để lấp kín thời gian trống của bọn trẻ, dẫu biết như vậy là "nhồi nhét", nhưng để con tiếp thu tri thức vẫn tốt hơn làm bạn với game. Họ lo cũng đúng, bởi khoảng cách từ chơi đến nghiện là quá ngắn. Những mẩu tin về việc trẻ em nghiện game sex rồi thực hành như phim khiến tôi thấy bất an. Cha mẹ chỉ có thể kiểm soát con khi chúng ở nhà. Khi bọn trẻ đi học rồi giao tiếp với bên ngoài, liệu chúng có đủ bản lĩnh để thoát khỏi sự bủa vây của game online?


Trả lời cho câu hỏi "cho trẻ con chơi gì?" hiện nay thật chẳng dễ!


Theo PN