Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tâm tình cùng các phụ huynh


Thưa các anh chị,


Xin các anh chị quan tâm việc trẻ biết thưa gửi với thầy cô, cha mẹ và lễ phép với người lớn, có những thói quen tốt như bỏ rác đúng nơi, đánh răng đúng cách, biết ngăn nắp... Nếu hôm nào đi vào trường, anh chị nhận được những cái vòng tay, những lời thưa của các đứa trẻ không quen biết hay thấy đứa trẻ biết nhặt rác bỏ vào thùng... hẳn các anh chị sẽ rất vui và thấy rằng ở môi trường này, các cháu thật ngoan. Đó không chỉ là công lao dạy dỗ của các thầy cô mà còn là sự chú ý, uốn nắn, bảo ban kịp thời của chính các bậc cha mẹ, ông bà trong gia đình.


Xin các anh chị quan tâm việc dạy trẻ biết tự làm các việc của mình thay vì trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của người lớn. Đó là việc tự chuẩn bị quần áo, sách vở cho buổi học mới, tự học bài và làm bài, tự thực hiện vệ sinh cá nhân theo khả năng của mình...


Mỗi tối, các anh chị dành nửa giờ để kiểm tra xem việc học của con em mình trong ngày như thế nào. Cháu đã học được gì, có khó khăn gì, đã học bài làm bài chưa, đã được thầy cô khen chê ra sao... Và cũng xin các anh chị hãy dành thì giờ để nói chuyện với con, để nghe con kể chuyện vui buồn, các tâm sự, giãi bày, thậm chí một lời đề nghị, một mong muốn...


Ảnh: V.H.Q.


Thỉnh thoảng, các anh chị hỏi con những câu tưởng chừng không có gì đáng quan tâm, như: Hôm nay con đi học có vui không, con thấy thầy/cô của con có quan tâm đến con không, con có thích thầy/cô của con không, con thích chơi với bạn nào và vì sao, con ăn có no không, con ngủ có đủ giấc không, con có thường uống nước trong trường và hay đi vệ sinh không, có bạn nào bắt nạt con không... Những câu trả lời của con đều mang ý nghĩa nào đó nhất định mà nếu chúng ta lắng nghe, chúng ta sẽ hiểu con mình đang được học, được dạy, được sống ở môi trường nhà trường như thế nào.


Xin các anh chị thường xuyên kiểm tra thân thể của con, như xem tay chân của con để biết móng có dài và có bẩn không, tay chân có hay dính mực hay bị trầy xước gì không, tóc có quá dài không, tai con có nghe tốt không, mắt con nhìn có rõ không... Những điều đó không chỉ để biết tình trạng sức khỏe của con mà còn để biết con hay nghịch ngợm đến độ bị té, bị va đập, hay bị bạn đánh, bị xâm hại gì khác không...


Kiểm tra cặp sách, bút, vở... của con để các anh chị biết được con đã viết bài như thế nào, có giữ gìn vệ sinh tốt không, có ngăn nắp, cẩn thận không, có mang theo hoặc giấu đồ gì không nên không...


Xin các anh chị nếu hay cho tiền con ăn quà thì đừng quên dặn con những thứ nên ăn và không nên ăn, cũng như nên hỏi con đã ăn quà gì, mua bao nhiêu tiền, ăn với ai...


Xin các anh chị lưu số điện thoại của thầy cô chủ nhiệm lớp và nếu không gặp thì đôi ba tháng nên gọi một lần để hỏi xem con mình có vấn đề gì cần lưu ý không, ít nhất cũng tạo ra mối quan hệ với giáo viên.


Xin các anh chị quan tâm những điều đó vì nó góp phần giáo dục con của các anh chị tốt hơn, giúp con của các anh chị phát triển thuận lợi hơn, tạo ra môi trường lớp học tốt hơn, các thầy cô có thêm điều kiện và trách nhiệm để dạy dỗ con em chúng ta tốt hơn... Cuối cùng, tất cả những điều đó sẽ giúp cho con tôi được học tập, sinh hoạt trong một môi trường mà các bạn của con đều là những đứa trẻ ngoan, đều được cha mẹ thương yêu, quan tâm, thầy cô thì hết lòng với học sinh... Con của tôi sẽ ngoan, sẽ học tốt, tức là kích thích, động viên con của các anh chị sẽ ngoan, sẽ học tốt.


Con của chúng ta sẽ tốt hơn. Mọi thứ đều bắt đầu từ chúng ta. Có phải thế không các anh chị?


Nguyễn Minh Hải
Theo PN