Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tấm gương mờ


Lúc mẹ rước con ở trường mầm non, có một cuộc gọi điện thoại chào bán sản phẩm bảo hiểm mới. Bực mình, mẹ ngắt ngang: "Xin lỗi, tôi đang bận họp".


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Con trai đang ngồi xích đu chạy đến, kề gần điện thoại hét: "Không phải mẹ đang họp, mẹ đang chơi với con". Tình thế cấp bách, mẹ bịt miệng, nhéo hông để con trai im ngay. Sau đó, mẹ khiển trách: "Con đừng xía vào chuyện người lớn". Con phụng phịu: "Cô giáo không cho nói dối, xấu lắm. Mẹ cũng dạy con như vậy". Mẹ trừng mắt. Trên đường về, con trai tỏ ra giận dỗi vì mẹ đã làm không đúng.


Nghĩ lại, không ít lần ba mẹ đã nói dối cho qua chuyện mà không để ý đến sự hiện diện của con. Gần đây có quá nhiều dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, làm đẹp...) có được số điện thoại của mẹ đã liên tục gọi tư vấn, chào hàng. Để tránh mất thời gian, mẹ nói "chưa có nhu cầu". Nhưng không ít tư vấn viên "dai như đỉa" cứ thuyết phục. Rút kinh nghiệm, mẹ nói "tôi đang bận họp" hoặc "tôi đã chuyển chỗ làm đi tỉnh khác" cho xong. Ở tuổi con, mẹ nghĩ không cần phân bua, giải thích rằng nói dối trong trường hợp nào, với đối tượng nào là chấp nhận được.


Có lần mẹ đã phạt con vì tội... nói thật, vì sự thật mà con thổ lộ đã gây rắc rối cho mẹ. Bà nội rất kỹ tính, không muốn cho con sang thăm ông ngoại già yếu vì sợ lây bệnh. Ông ngoại nhớ và mong con. Lần nào đưa con sang chơi, ba mẹ cũng dặn con đừng nói cho bà nội biết. Nhưng con cứ kể hết cho nội và còn nói: "Ba mẹ dặn con đừng nói cho nội biết". Nội trách ba mẹ tập cho con sống hai mặt, không ngay thẳng.


Ba mẹ không ngờ sự vô ý của mình đã tạo trong lòng con những vết hằn. Tại sao nói thật lại bị khiển trách, liệu con có cần chân thật như lời mẹ dạy hay có thể nói dối như cách mẹ đã làm? Vì cái lợi trước mắt, ba mẹ nói dối, nói bừa, gây méo mó trong suy nghĩ của con. Ba mẹ sẽ cố gắng điều chỉnh để sống tốt hơn, ít nhất là không vi phạm những nguyên tắc, chuẩn mực mà chính mình đang rèn cho con.


Theo PN