Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lọn tóc của ngoại


Cho tới bây giờ, sau mấy mươi năm, tôi vẫn không quên ngôi nhà của ngoại. Không quên cái chái bên hông nhà, nơi có chiếc võng được giăng giữa hai cây cột mù u, mỗi cây cột được ngoại đóng cho một cái lon sữa bò cao vừa tầm với, một cái ngoại đựng hai cây lược, cây lược sừng màu đen chải tóc thường, và cây lược chải chí màu đỏ, răng khít rịt, còn cái lon kia, ngoại đựng những lọn tóc rụng và chai dầu dừa nhỏ xíu.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Mỗi sáng ngoại thường đứng chải đầu ở bên chái nhà. Chải xong, ngoại vuốt cây lược lấy ra mớ tóc rụng quấn thành lọn bỏ vào lon. Khoảng năm ba bữa một lần, thường là vào buổi trưa, sau khi cơm nước xong xuôi, ngoại ngồi trên võng, đem những lọn tóc rụng ra vuốt dầu dừa cho thẳng thớm. Vừa ngồi vuốt tóc ngoại vừa kể chuyện xưa. Khi các lọn tóc góp lại to bằng cỡ ngón tay thì ngoại lấy sợi chỉ trắng cột lại đem cất trong một cái hộp gỗ. Chỉ những lúc đi đám tiệc, ngoại mới đem cái hộp gỗ đó ra, lấy lọn tóc cặp vào tóc thật rồi bới cao lên.


Ngoại nói tại tóc ngoại rụng nhiều, phải thêm tóc để khi bới đầu cái búi tóc không bị xổ tung.


Năm tôi 14 tuổi, ngoại bị tai biến, xụi cánh tay phải, không còn tự bới tóc được nữa. Má và các dì thay phiên nhau tắm gội rồi chải tóc bới đầu cho ngoại. Một buổi trưa, tôi đi học về, thấy đầu ngoại trọc lóc. Tôi hỏi má, má nói cả nhà đi vắng, ngoại kêu ông thợ hớt tóc dạo vào nhà. Ngoại nói với mẹ: "Má cạo cho mát mẻ vậy mà". Ngoại nói vậy, nhưng cả nhà đều hiểu ngoại không thích làm phiền con cháu, tính ngoại xưa giờ vẫn vậy. Năm tôi 17 tuổi thì ngoại qua đời. Trước khi nhắm mắt, ngoại gọi tên từng đứa con, cháu. Riêng tôi, sau khi gọi đến, ngoại cho chiếc hộp gỗ. Ngoại nói cất kỹ để nhớ ngoại, nhớ những buổi trưa hai bà cháu chuyện trò.


Theo PN