Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phổ cập giáo dục Mầm non: Trường lớp thiếu, giáo viên thiếu


Theo Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi được Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2012 có 85% số tỉnh, thành phố đạt phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Thế nhưng tới nay khó có thể đạt đúng tiến độ khi sắp hết quý I-2012, toàn quốc mới chỉ có gần 14% xã, phường được công nhận hoàn thành PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Những khó khăn dễ thấy là thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, chế độ đãi ngộ người dạy chưa tương xứng...


Cần có phụ cấp, chế độ lương tương xứng cho giáo viên mầm non, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Ảnh: HOÀNG LONG


Đời sống thấp, giáo viên hợp đồng nhiều nơi bỏ việc
Thực hiện đề án này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT thực hiện xây trường, lớp; tăng cường đội ngũ giáo viên chuẩn bằng cấp; ưu tiên phụ cấp, chế độ lương cho giáo viên mầm non mà đặc biệt là vùng sâu vùng xa... Nhưng sự đáp ứng của ngành giáo dục vẫn chưa được toàn diện. Nhiều địa phương, giáo viên mầm non phải bỏ nghề, hoặc xin nghỉ không lương vì lương thấp không sống nổi.


Tại trường mầm non Thượng Ninh, xã Thượng Ninh, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hoá), tổng số 27 giáo viên, cán bộ thì không một ai được biên chế. Thu nhập giáo viên chỉ 500 ngàn đồng/tháng, nghĩa là một ngày chỉ chừng 15.000 đồng, chưa nổi một bát phở. Vì thế, năm học này (2011-2012) đã có hàng loạt giáo viên mầm non tại Như Xuân đã đồng loạt xin nghỉ việc đòi tăng lương. Thời điểm đó, tại TP. HCM thống kê có đến 422 giáo viên, quản lý và nhân viên ngành mầm non nghỉ việc do thu nhập quá thấp, công việc quá tải. Sở GD&ĐT TP. HCM cho biết, ngành học mầm non toàn thành phố vốn chỉ đạt 1,9 giáo viên/lớp (trong khi quy định là 2 giáo viên/lớp), bởi vậy hàng loạt giáo viên bỏ dạy lại càng làm ngành thiếu hụt giáo viên, cần phải bổ sung gấp.


Tại nhiều địa phương khác như Phú Thọ, Hoà Bình, Thanh Hoá, Bắc Kạn, Lạng Sơn...tình trạng giáo viên không được biên chế, chỉ ký hợp đồng với mức lương rẻ mạt, điều kiện dạy vất vả, thiếu thốn khá phổ biến. Tỉ lệ giáo viên mầm non hợp đồng bỏ nghề chỉ vì lương thấp tuy chưa tăng đột biến, nhưng để duy trì sĩ số là việc làm rất khó khăn. Giải quyết vướng mắc này, ông Lê Xuân Đồng-GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hoá cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, Thanh Hoá đã quyết định chuyển đổi 525 trường mầm non bán công sang công lập. Đồng thời sẽ tạo điều kiện để hơn 8.000 giáo viên mầm non ngoài biên chế sẽ được tuyển dụng vào viên chức sự nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng giáo viên mầm non phải dạy hợp đồng nhiều năm, thậm chí hàng chục năm để mỏi mòn chờ tuyển vào biên chế và được giải quyết như ở Thanh Hoá không nhiều.


Theo bà Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non thì hiện nay đã có 33 tỉnh, thành cam kết thực hiện chuyển hơn 4.000 trường bán công sang công lập, đến tháng 2-2012 đã chuyển đổi thành công 3.473 trường. Điều đó có nghĩa là riêng Thanh Hoá đã chiếm gần 1/7 số trường bán công của toàn quốc được chuyển sang công lập.


Tiến độ xây dựng trường, lớp quá chậm
Nhìn lại quá trình thực hiện Đề án phổ cập GDMN, theo một thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm học 2010-2011 chỉ có 21,5% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được đi học. Năm nay, tỉ lệ này đã tăng thêm nhưng chưa đáng kể. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có yếu tố thiếu trường, thiếu kinh phí hoạt động, thiếu giáo viên, thiếu phụ cấp ưu đãi cho cả người dạy lẫn trẻ vùng khó khăn đến trường.


Một trong những khó khăn lớn của ngành GDMN là thiếu trường, thiếu lớp trầm trọng tại các khu đô thị, chung cư, khu công nghiệp, chế xuất trọng điểm. Tại những địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM, Hà Nội... việc triển khai quy hoạch đô thị dường như đã "quên" yếu tố xây trường cho trẻ. Với mật độ dân cư đông, có nơi tập trung cao lượng công nhân, người lao động, thì việc xây trường mầm non đáng lẽ phải được ưu tiên. Nhưng thực tế muốn trẻ vào học một trường tốt phải "xin", xếp hàng từ nửa đêm nộp hồ sơ. Nhiều bậc phụ huynh đành chọn giải pháp gửi con ở các điểm trông trẻ tự phát, điểm giữ trẻ gia đình, chấp nhận mức phí hợp túi tiền nhưng rủi ro cao. Và mãi đến khi nhiều nơi xảy ra các vụ bạo hành trẻ, làm trẻ bị ngạt, tử vong... ngành giáo dục mới giật mình nhìn lại quy chế quản lý chồng chéo, rồi các ngành chức năng (chính quyền và ngành giáo dục) đùn đẩy trách nhiệm... Những thay đổi về quy chế quản lý trường mầm non lập tức được ban hành, nhưng đó không phải là giải pháp tối ưu vì tiến độ xây dựng trường học tại nhiều địa phương hiện còn quá chậm.


Theo lộ trình đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GD&ĐT và các cấp chính quyền phải khẩn trương thực hiện những biện pháp phối hợp thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đến năm 2015 sẽ phải đạt 100%. Trong đó, 95% số trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; 100% trẻ trong các trường mầm non được học chương trình GDMN mới, 100% giáo viên dạy trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Mục tiêu này cũng đặt ra 85% số tỉnh, thành phố đạt phổ cập GDMN vào năm 2012. Tuy nhiên, với tiến độ công nhận trường mầm non hoàn thành PCGDMN của các tỉnh như hiện nay, mục tiêu 85% mà Chính phủ đặt ra nhiều khả năng sẽ rất khó đạt được đúng tiến độ.


Theo thông tin từ Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), tính đến tháng 2-2012 toàn quốc đã có 1.543/11.069 xã, phường được công nhận hoàn thành PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, đạt tỉ lệ 13,9%. Đứng đầu là Thái Bình với 94,7% (270/285 xã) được công nhận hoàn thành PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi; tiếp theo là Đà Nẵng đạt 83% (47/56 xã); Lào Cai gần 72% (46/64); Nghệ An có số xã được công nhận khá cao (283 xã) nhưng chỉ đạt 38,2%.


Theo Đại Đoàn Kết