Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyển trường mầm non bán công sang công lập


Theo kế hoạch, đến nay, tỉnh Nghệ An đã chuyển đổi thành công 100% các trường mầm non (MN) bán công sang loại hình công lập, từng bước tạo đột phá nâng cao chất lượng, thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục MN năm tuổi.


Giờ học của lớp mầm non ở xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An).


Ðột phá để nâng cao chất lượng
Cô Trần Thị Bốn, giáo viên Trường MN Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ đã 32 năm gắn bó với nghề dạy trẻ, vất vả sớm hôm nhưng thu nhập mỗi tháng chỉ hơn một triệu đồng. Tết Nhâm Thìn vừa qua, được chuyển sang công lập vào biên chế, hưởng lương theo ngạch, bậc, thu nhập tăng lên, kinh tế gia đình đỡ vất vả hơn, cô nói trong niềm vui: "Bây chừ, tôi thật sự an tâm gắn bó với nghề và đem hết thời gian còn lại cống hiến cho sự nghiệp giáo dục". Cô Trần Thị Hoa, Trường MN Công Thành, huyện Yên Thành cho biết: "Trước đây, cơm áo gạo tiền luôn là nỗi lo thường trực đối với hầu hết giáo viên mầm non... nhưng vì yêu trẻ mà theo nghề. Nay được chuyển vào biên chế, hưởng lương theo ngạch, bậc, chúng tôi đã an tâm gắn bó với nghề". Thời gian gần đây các giáo viên mầm non ở Nghệ An thật sự vui mừng vì từ tháng 12-2011 các cô được nhận lương mới và được truy lĩnh từ tháng 9, người nhận ít cũng được sáu, bảy triệu đồng, người có thâm niên cao cũng xấp xỉ 20 triệu đồng.


Thực hiện hướng dẫn liên ngành 837 về việc chuyển đổi loại hình trường MN bán công sang công lập, tháng 11-2010, huyện Tân Kỳ đã chuyển đổi thành công 15 trường MN bán công sang công lập trong tổng số 24 trường MN trên địa bàn với 259 giáo viên được tuyển vào biên chế. Ông Ðoàn Tử Nghĩa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Kỳ cho biết: Từ khi chuyển đổi sang hình thức công lập, chất lượng giáo dục của bậc học MN ở huyện Tân Kỳ được nâng lên rõ rệt, tạo được sự yên tâm công tác trong đội ngũ giáo viên. Ông Ngô Quang Long, Trưởng phòng Giáo dục huyện Diễn Châu đánh giá: Sau khi chuyển đổi, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường được hưởng tất cả các chế độ, chính sách theo quy định, tạo niềm tin, sự phấn khởi, họ an tâm hơn, có trách nhiệm hơn trong công tác. Mặt khác, sau chuyển đổi, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường MN được quan tâm đầu tư hơn, là tiền đề để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.


Tính đến tháng 11-2010, Nghệ An có 507 trường MN, trong đó 353 trường MN bán công, chiếm tỷ lệ 69,63%. Tổng số cán bộ giáo viên trong ngành học MN là 10 nghìn 514 người; trong đó biên chế 2.543 người và ngoài biên chế là 7.971 người. Giáo viên ở các trường MN bán công đều hưởng lương từ nguồn học phí và hỗ trợ của ngân sách cho nên không được trả lương theo ngạch, bậc, thu nhập thấp và đời sống khó khăn. Trước yêu cầu đổi mới theo đúng quy định của Luật Giáo dục, ngày 7-1-2011, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 64/QÐ-UBND.VX chuyển đổi loại hình trường MN bán công sang công lập. Tuy nhiên, khi nghiên cứu để ra quyết định trên, Nghệ An gặp không ít khó khăn, ngân sách tỉnh sẽ phải chi một số lượng khá lớn khó kham nổi. Mặc dù còn khó khăn nhưng UBND tỉnh Nghệ An đã chọn phương án "chuyển toàn bộ các trường MN bán công khu vực hai sang công lập, các trường còn lại chuyển sang công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động". Theo phương án này, tổng ngân sách Nhà nước chi cho ngành học MN hằng năm sẽ tăng thêm gần 100 tỷ đồng.


Niềm vui gắn bó với nghề
Theo định biên, số cán bộ, giáo viên trên địa bàn được tuyển vào biên chế sau chuyển đổi là 5.864 người, nhưng số người ngoài biên chế đã lên đến 7.971, vì thế đòi hỏi quy trình tuyển dụng phải chặt chẽ, bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan và quyền lợi của người lao động. Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Nghệ An đã phối hợp các sở liên quan ban hành hướng dẫn liên ngành chuyển đổi loại hình trường MN bán công sang công lập, trong đó, nêu rõ cách thức tuyển dụng giáo viên, nhân viên vào biên chế (đối tượng tuyển dụng, hồ sơ, chế độ ưu tiên,...). Dựa vào hướng dẫn, các huyện hướng dẫn cụ thể thêm cho phù hợp thực tế địa phương mình. Vì vậy, việc xét tuyển bảo đảm đúng yêu cầu đã đặt ra, tạo niềm tin phấn khởi trong đội ngũ cán bộ giáo viên. Ðến hết năm 2011 Nghệ An đã hoàn thành kế hoạch 100% các trường MN bán công chuyển đổi sang loại hình công lập. Trong đó, 46 trường MN bán công khu vực hai miền núi và các xã đặc biệt khó khăn ven biển được chuyển thành trường công lập, 20 trường MN bán công chuyển thành trường công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động... Ðối với số giáo viên chưa được biên chế, UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn, nếu bằng chuyên môn chưa đạt chuẩn, không phù hợp ngạch tuyển dụng ở trường mầm non hoặc vượt quy định định mức biên chế thì xem xét nhu cầu cụ thể của từng trường để chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ đầy đủ cho người lao động theo quy định; đối với số giáo viên, nhân viên có bằng chuyên môn đạt chuẩn trở lên và phù hợp với ngạch tuyển dụng, đã được cấp có thẩm quyền ký hợp đồng lao động và đang hưởng chế độ tiền lương theo quyết định của UBND tỉnh thì xem xét, tiếp tục hợp đồng làm việc nếu có nhu cầu...


Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Nghệ An: "Việc chuyển đổi các trường MN bán công sang công lập ở Nghệ An đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để các trường MN nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và là tiền đề để thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn cho nên hiện nay, các trường MN trên địa bàn vẫn chưa được phép bố trí đủ định mức hai giáo viên/lớp theo quy định của Thông tư 71/TTLT-BGDÐT-BNV mà chỉ mới được phép bố trí 1,4 giáo viên/lớp. Vì không có đủ giáo viên, dù trường có bố trí lao động rất khoa học, giáo viên có cố gắng đến đâu thì vẫn ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Các ngành liên quan cần nghiên cứu để sớm giúp Nghệ An khắc phục tình hình này.


Theo Báo Nhân Dân