Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phú Thọ: Huyện đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi


Ngày làm việc thứ 2 tại Phú Thọ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác của Bộ, Sở GD-ĐT Phú Thọ đã làm việc tại huyện Thanh Thủy. Đây là huyện đầu tiên của Phú Thọ đề nghị kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thăm HS trường MN Hoa Hồng (Thanh Thủy- Phú Thọ)


Cô và trò Trường MN xã Đồng Luận (Thanh Thủy,Phú Thọ) mấy ngày qua tràn ngập niềm vui. Đó là nhờ có chương trình nông thôn mới, nhà trường có được dãy nhà hiệu bộ với đầy đủ phòng chức năng. Hiệu trưởng Phạm Thị Hiền cho biết: Mặc dù các phòng học đã được kiên cố nhưng do chưa có nhà hiệu bộ nên BGH vẫn phải mượn tạm phòng học của HS làm phòng sinh hoạt chung. Việc chưa có phòng chức năng cũng khiến chất lượng GD chưa thực sự vững chắc. Tuy nhiên, với nỗ lực hoàn thành phổ cập, nhà trường đã huy động được 100% trẻ 4-6 tuổi ra lớp. Trẻ lớp nhà trẻ ra lớp mới đạt 13,8% do không có phòng học.


Các em đều được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường. Cũng theo cô Hiền, sau khi nhà trường có thêm khu nhà hiệu bộ và phòng chức năng chắc chắn tỷ lệ trẻ nhà trẻ đến lớp sẽ đông hơn. Dự kiến từ năm học 2012-2013, nhà trường sẽ huy động được trên 20% trẻ nhà trẻ đi học. Với đội ngũ nhà giáo, theo cô Hiền, nhờ chính sách công bằng giữa các GV đã động viên các cô đi học nâng cao kiến thức. Hiện nhà trường có 13/20 GGV có trình độ CĐ và ĐH.


Trưởng phòng GD huyện Thanh Thủy Phạm Hồng Chí cho biết: Thực hiện QĐ 239 của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, năm 2010, huyện đã chuyển đổi 17 trường MN bán công sang công lập. Năm 2011, huyện tiếp tục tập trung vào việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ GV. Cũng trong năm 2011, huyện đã dành trên 10 tỷ đồng để xây dựng phòng học và mua sắm thiết bị phục vụ phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Với những nỗ lực của chính quyền, nhân dân và cán bộ GV, tính đến đầu năm 2012 toàn huyện đã đạt được 3 tiêu chuẩn theo quy định đạt phổ cập về cơ sở vật chất, trang thiết bị; Đội ngũ GV dạy các lớp 5 tuổi và Chất lượng chăm sóc GD trẻ. Cụ thể, 46 lớp mẫu giáo 5 tuổi được học trong phòng học đạt theo yêu cầu của Điều lệ trường MN. 46/46 lớp 5 tuổi có đủ 124/124 thiết bị để dạy học theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ. 100% trường học có đủ máy tính phục vụ công tác quản lý, soạn giảng của GV, 100% trường đã nối mạng Internet và khai thác các thông tin trên mạng hiệu quả phục vụ công tác chăm sóc GD trẻ. Về đội ngũ, toàn huyện có 92 GV, đáp ứng định biên 2GV/lớp, 58,7% GV có trình độ trên chuẩn.Cũng theo Trưởng phòng Phạm Hồng Chí, hiện mới chỉ có 44/92GV được vào biên chế nhưng 100% GV dạy lớp 5 tuổi đều được chi trả tiền lương và chế độ phụ cấp lương đúng, đủ theo quy định hiện hành. Chất lượng chăm sóc và GD trẻ đạt yêu cầu. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100% và 1179/1179 trẻ học 2 buổi/ngày và học theo chương trình GDMN mới. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm dần trong các năm và 100% các xã,thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập về tỷ lệ suy dinh dưỡng với 4,49% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 3,81% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi.


Sau khi đi thăm 2 trường MN là Hoa Hồng và Đồng Luận (Thanh Thủy, Phú Thọ), Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận những đổi thay của bậc học MN nơi đây. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, sự ngăn nắp, sạch sẽ của mỗi lớp học, trường học cho thấy có bàn tay chăm chút của mỗi GV. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, phổ cập GDMN so với phổ cập GD tiểu học khó khăn hơn nhiều do đội ngũ GV tiểu học đều nằm trong biên chế nên mọi đầu tư đều tập trung cho cơ sở vật chất, mua săm trang thiết bị. Với GDMN, do một thời gian dài gần như bị lãng quên nên cần sự quan tâm, đầu tư nhiều ở 2 lĩnh vực là đời sống nhà giáo vào cơ sở vật chất. "Mặc dù ngân sách tỉnh chỉ đáp ứng được 1/3 mức chi hàng năm nhưng Phú Thọ vẫn quyết tâm hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi vào năm 2012 là sự nỗ lực lớn của chính quyền và nhân dân tỉnh", Thứ trưởng Nghĩa nhận định. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng đề nghị huyện Thanh Thủy nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung duy trì nguồn thu lâu dài để ổn định chế độ cho GV. Bên cạnh đó cũng cần duy trì tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi ra lớp để đảm bảo quyền được đi học, không vì trẻ 5 tuổi ra lớp và bỏ rơi trẻ bé hơn.Đồng thời quan tâm hơn nữa đến nhân viên, đặc biệt là nhân viên y tế và kế toán trong trường. "Từ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và biện pháp khắc phục của các đơn vị trong tỉnh Phú Thọ sẽ là bài học để các tỉnh, thành khác học tập và rút kinh nghiệm", Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết.


Theo GD&TĐ