Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giảm giờ làm với giáo viên bậc mầm non Khó áp dụng!


Với quy định giảm giờ làm từ 10 giờ xuống còn 6 giờ mỗi ngày của Bộ GD&ĐT đối với giáo viên (GV) mầm non, tưởng sẽ được các cô vui mừng đón nhận, song không hẳn vậy...


Việc vất vả
Nếu theo quy định mới, chế độ làm việc của GV mầm non được áp dụng 6 giờ dạy trên lớp/ngày đối với nhóm trẻ học 2 buổi và 4 giờ dạy/ngày đối với nhóm trẻ học một buổi. Ngoài ra, GV phải soạn giáo án, làm đồ dùng... chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp. Nhưng trên thực tế, GV mầm non phải làm ít nhất 10 giờ/ngày, bởi ngoài việc dạy, còn phải kiêm thêm nhiều việc như trông các cháu ngủ, cho các cháu ăn, vệ sinh lớp, chờ phụ huynh đón...


Cô Nguyễn Hồng Hạnh (giáo viên ở quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Được giảm giờ làm, GV chúng tôi thấy vui vì được quan tâm, chia sẻ phần nào những vất vả lâu nay. Tuy nhiên, tôi thấy quy định này không khả thi. Như bản thân tôi, hàng ngày phải đi làm từ 6 giờ sáng, có những hôm 6 giờ tối mới về. Việc nhà, đưa đón con cái đi học phải nhờ ông, bà. Với những GV không có điều kiện, không ở cùng ông, bà thì rất nan giải".


Còn một số GV mầm non tại quận Đống Đa cho rằng, quy định này không khác gì "đánh đố" ngành mầm non, bởi đặc thù của ngành là chăm sóc các cháu, giờ sinh hoạt nào của các cháu cũng phải có GV trông coi.


Nhìn một cách khách quan, nếu làm theo quy định này, các lớp mầm non cần tuyển thêm bảo mẫu trông coi. Nhưng thu nhập của GV mầm non trước nay đã bị kêu là thấp, nên việc tuyển bảo mẫu cũng không phải dễ dàng. Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo Nguyễn Hải Thập cũng thừa nhận: "Khi đoàn khảo sát của Bộ GD&ĐT tới nhiều địa phương, tôi thấy giáo viên mầm non quá vất vả. Ngoài dạy và chăm sóc các cháu, lúc đó các cô mới tranh thủ soạn giáo án. Đặc biệt, trách nhiệm của các giáo viên mầm non rất lớn, không dám bỏ lớp vì nếu có sơ sảy gì với học sinh các cô phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng thu nhập của các cô lại rất thấp".


Không hợp lý
Trước đây, khi có quy định GV mầm non dạy 8 giờ/ngày, nhiều người đã cho rằng quy định đó không hợp lý vì giáo viên không còn thời gian chuẩn bị giáo án, đồ dùng học tập. Nay giảm giờ làm xuống còn 6 giờ/ngày, nhưng lại không bổ sung thêm bảo mẫu, cô nuôi, sẽ không khác gì "đánh đố" giáo viên.


Nhiều hiệu trưởng các trường mầm non chia sẻ, xét về lý thuyết, quy định này giảm tải áp lực về công việc cho GV mầm non, nhưng thực tế không khả thi. Công việc thường ngày của một GV mầm non thường bắt đầu từ 6 giờ đến 17 giờ, chưa kể hầu như ngày nào cũng phải ở lại thêm giờ vì có nhiều cháu được đón muộn. Mỗi lớp trung bình có 40 học sinh, chỉ có 2 giáo viên phụ trách, không có bảo mẫu nên các cô phải làm tất cả mọi việc. Nếu áp theo qui định, các cô chỉ dạy 6 giờ/ngày thì thời gian trông trẻ còn lại sẽ giao cho ai?


Thực tế, GV ở nhiều trường mầm non vừa phải đứng lớp, vừa phải làm cả phần việc như vệ sinh, phục vụ... trong khi số trẻ trong một lớp ngày càng đông. Do vậy, nhu cầu về điều kiện giáo dục, chăm sóc trẻ là cấp bách, không chỉ cần người dạy học mà còn cần đội ngũ nhân viên lo chuyện ăn, uống, ngủ, nghỉ cho trẻ. Cũng có thể vì thế mà hầu hết các trường mầm non đến thời điểm này vẫn chưa áp dụng quy định về số giờ làm việc mới.


Theo KTĐT