Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khuyến khích hay ép buộc con?


Khi còn là học sinh tiểu học, tôi đã cảm nhận được mình thích môn văn.


Tôi thấy mình không quá khó khăn để viết một bài tập làm văn đầy cảm xúc hay dễ dàng thuộc làu những bài thơ dài hai ba trang sách. Giờ học văn với tôi luôn thú vị và đầy hào hứng. Nhưng bố tôi thì khác, bố tôi cực kỳ yêu môn toán, vì thế ông muốn tôi cũng phải học giỏi toán và làm mọi cách để tôi đạt điểm tốt nhất môn này.


Mỗi ngày, sau giờ cơm chiều, tôi phải ngồi vào bàn làm hết mười bài tập toán do bố tôi giao. Đề toán ông lấy trong cuốn sách đã theo ông từ thời bé xíu và đầy chú thích bằng tiếng... Pháp. Cuốn sách này là niềm kiêu hãnh của bố, là món quà của thầy dạy toán đã thưởng cho bố vì ông đạt thành tích học sinh xuất sắc nhiều năm liền.


Ảnh: P.Huy


Những giờ học tại nhà với "thầy bố" luôn là nỗi kinh hoàng với tôi. Suốt cả buổi học chỉ toàn nghe những lời gầm gừ, la mắng và thỉnh thoảng bị đánh vào mông. Dù rất đau nhưng tôi không dám khóc, vì càng khóc bố đánh càng nhiều. Những đề bài bố cho luôn rất khó và quá cao so với trình độ tiểu học của tôi nên dù bố có giảng bao nhiêu lần tôi vẫn không hiểu. Cả nhà ai cũng xót xa và cố giải thích giúp tôi, nhưng bố cho rằng tôi quá ngu dốt, không làm được những bài toán cơ bản. Ông thường nói đi nói lại một điều: "Giỏi toán sau này làm kỹ sư bác sĩ, còn giỏi văn thì chỉ có ăn mày!".


Nhớ lại thời gian đó, tôi vẫn còn rùng mình. Rất may là những giờ học kinh dị đã chấm dứt khi tôi vừa qua lớp 8. Lúc đó do bố tôi liên tục tăng ca và không còn nhiều thời gian để theo dõi việc học của con cái. Tuy rất mừng nhưng do nỗi ám ảnh kéo dài quá lâu nên tôi sợ không bao giờ dám đem bài về nhà làm. Tôi lo lỡ bố bắt gặp, ông sẽ kiểm tra vài công thức cũ và nếu không trả lời được thì việc ăn roi là điều không thể tránh khỏi. Chính vì thế, tôi dần dần mất căn bản môn toán do chẳng bao giờ ôn lại bài khi rời khỏi lớp. Rất may, tôi chưa vì môn toán mà ở lại lớp dù có vài lần bị... thi lại.


Từ lúc đó trở đi tôi luôn tự nhủ, nếu sau này làm mẹ, tôi sẽ không bao giờ ép buộc con cái phải làm những gì nó không thích.


Và bây giờ tôi đã có cậu con trai hai tuổi nhưng hình như tôi đang bước theo dấu chân cũ của bố, dù không bao giờ muốn. Từ lúc thằng bé mới năm tháng, tôi đã mua sách hình nhiều màu sắc và cho con xem mỗi ngày. Mỗi khi đọc sách, tôi đều cho con ngồi vào lòng và chỉ tay từng từ đọc cho nó nghe. Mười lăm tháng, con tôi đã biết đọc hơn 50 từ, nhận biết và đọc tên nhiều con vật. Hiện tại con tôi đã biết 24 chữ cái và đọc rành rẽ mười con số và nhiều từ khác. Quả thật tôi rất vui vì thấy con mình có khả năng đọc hiểu sớm như vậy. Nhưng những người thân của tôi thì không thế, họ ái ngại giùm thằng bé vì cho rằng tôi đang ép nó học quá sớm. Mọi người bảo tôi nên cho bé vui chơi thay vì bắt nó học hằng ngày. Và nếu bé biết chữ quá sớm, sau này sẽ lười học vì đã biết trước các bạn. Tôi lo lắm và nhớ lại những gì mình đã trải qua thời thơ ấu.


Nhưng khi suy nghĩ kỹ, tôi thấy mình đang làm đúng. Tôi không ép buộc con mà đang khuyến khích con. Những chữ cái, những con số tôi mua đầy màu sắc và được chơi như đồ chơi xếp hình. Mỗi ngày, tôi dành ra vài giờ để chơi cùng con, giúp thằng bé ghép hình, đọc tên vài loại vật mới, hát cho con nghe và cùng con đọc những bài thơ nho nhỏ. Mỗi ngày một ít nhưng khi nhìn lại thì thấy con mình biết được nhiều quá, ngay cả tôi cũng phải ngỡ ngàng. Giờ chơi mà học đều làm cho hai mẹ con cảm thấy vui vẻ và gần gũi nhau hơn.


Thành thật mà nói, tôi cũng mong rằng sau này thằng bé sẽ yêu thích môn văn, nhưng không vì thế tôi cố ép con mình phải học bằng mọi giá. Tôi vui khi thấy con thích thú với chữ nghĩa và cố tạo mọi điều kiện để con tiếp cận với thứ mình thích một cách nhẹ nhàng nhất. Nhưng tôi vẫn lo mai này khi thằng bé lớn lên lỡ con thích làm thợ, nhân viên kỹ thuật, không lẽ tôi vẫn cứ tiếp tục khuyến khích con nên yêu thích văn chương? Làm cha mẹ quả thật là khó!


Theo PN