Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô giáo mầm non mệt mỏi, căng thẳng chống dịch tay chân miệng


Đúng như lo lắng của nhiều người, sau khi hoành hành ngoài cộng đồng, dịch tay chân miệng (TCM) bắt đầu tấn công vào khu vực trường học. Tính từ ngày 19/9 đến nay đã có 24 trường mầm non của 5 quận xuất hiện ca bệnh TCM, trong đó quận 11 dẫn đầu với 12 trường!


Riêng tuần qua, bệnh TCM đã xuất hiện ở 8 trường của quận 11, khiến ngành y tế quyết định đóng cửa 2 trường mầm non và một số lớp học ở những trường khác. Tình hình này khiến các cô giáo mầm non thật sự mệt mỏi, căng thẳng. Đã có một vài trường hợp nộp đơn xin nghỉ việc vì áp lực quá lớn!


Tất bật cả ngày chống dịch

Không chỉ đảm nhiệm những công việc chuyên môn, giờ đây cô giáo mầm non còn phải tham gia phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên họ lại không nhận được những hỗ trợ vật chất cần thiết (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Như Thuần

 

Tại trường Mầm Non 9 quận 11, từ khi dịch TCM vào trường học, công việc hàng ngày của cô giáo đã bận rộn nay lại càng bận rộn. Cô hiệu trưởng Phi Phượng cho biết, mỗi sáng, khi nhận các bé vào học, cô giáo phải tầm soát TCM bằng cách sờ trán, khám tay, khám miệng. Bé nào bị sốt , lừ đừ hay nổi gì bất thường ở tay, miệng đều được đề nghị phụ huynh cho về khám bệnh.


Mỗi ngày, các cô giáo còn phải chủ động liên lạc với gia đình có trẻ nghỉ bệnh để xác định nguyên nhân. Cô Phi Phượng nói: "Chúng tôi phải loại trừ trẻ bị TCM. Việc này không đơn giản chút nào, vì ngày nào cũng gọi điện, mỗi ngày gọi 2-3 lần, khiến phụ huynh cũng bực mình". Tháng qua, trường có 2 trẻ bị TCM, mới nhất có một trẻ bị suy hô hấp, đang điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 nhưng chưa xác định nguyên nhân.


Thế nhưng, công việc nặng nề nhất của các cô giáo mầm non là chuyện sát khuẩn, khử khuẩn phòng học và đồ chơi các bé mỗi ngày hai lần. Từ khi có ca bệnh TCM trong trường, ngày nào các cô cũng phải làm đến 6 - 7 giờ tối mới được về nhà. Cuối tuần cũng phải vào trường tổng vệ sinh thêm lần nữa. Chỉ nội chuyện pha cloramin B để vệ sinh, nhiều cô bị dị ứng đường thở, phồng rộp tay. Một giáo viên của trường Mầm Non 8 quận 11 nói: "Mang găng tay cũng chỉ bảo vệ được phần nào thôi. Lớp nào có trẻ bị TCM, chúng tôi phải pha dung dịch đậm đặc hơn, lúc này mùi clo xộc thẳng vào mũi, thở không nổi". Vừa nói, cô vừa chỉ cho tôi một số vết bỏng trên cánh tay vì tiếp xúc với nước clo.


Từ đầu năm học đến nay, trường Mầm Non 8 có 9 ca mắc TCM. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh không hợp tác với trường, khiến việc phòng chống dịch càng thêm khó khăn. Trường có 250 học sinh, nhưng bình quân chỉ có 170 em đến trường mỗi ngày. Trẻ nghỉ học vì nhiều lý do khác nhau, nhưng phần nhiều là do bệnh. Vậy nhưng một số phụ huynh lại không đưa trẻ đi khám bệnh dù nhà trường cảnh báo đang có dịch TCM trên địa bàn. Số khác lại giấu bệnh của trẻ, tìm mọi cách đưa trẻ đến trường để "khoán" cho cô giáo chăm nom giùm. Thậm chí, theo một cô giáo cho biết, có cho trẻ này về nhà để cách ly bệnh, phụ huynh cũng gửi trẻ vào trường tư vì ở các trường này việc phòng chống TCM không chặt chẻ như trường công lập.


Chiều ngày 1.11, sau khi kiểm tra tình hình dịch ở trường Mầm Non 8, trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM quyết định đóng cửa một lớp học ở đây vì có dấu hiệu trẻ mắc bệnh TCM từ trường học.


Xin nghỉ việc


Các phòng giáo dục đành phải cố gắng động viên giáo viên mầm non bám trụ, vượt qua giai đoạn căng thẳng hiện nay (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Như Thuần

 

Ngày 2.11, tại trường Mầm Non quận 11, bà Trương Thị Việt Liên, hiệu trưởng trường cho biết, từ đầu tháng 10 tới nay trường có 7 ca bị TCM, trong đó có 1 ca tử vong. Bà nói: "Bé mắc TCM ngoài cộng đồng rồi tử vong, thế nhưng các phương tiện truyền thông đưa tin không đầy đủ, khiến dư luận nghĩ rằng nguyên nhân từ phía nhà trường". Được biết, vì áp lực của công luận và cú sốc học trò qua đời, cô giáo chủ nhiệm lớp này đã làm đơn xin nghỉ việc dù nhà trường đã động viên cô nhiều lần.


Đây không phải là trường hợp cá biệt. Ở những trường mầm non có dịch TCM trên địa bàn TP, một số cô giáo cũng rục rịch tính nghỉ việc vì làm việc quá cực nhọc, áp lực dư luận và không có chính sách nào hỗ trợ vào đồng lương vốn ít ỏi của mình. "Vấn đề hiện nay là các giáo viên mầm non đang quá tải về cường độ lao động và căng thẳng tâm lý. Nếu nhà nước không chịu công bố dịch để cộng đồng nâng cao ý thức về dịch bệnh và có chính sách hỗ trợ thích đáng cho giáo viên mầm non, tôi e rằng các giáo viên khó có thể ổn định tinh thần để làm tốt lâu dài", bà Liên nói.


Ngày 25.10, trong cuộc họp giao ban lãnh đạo phòng giáo dục quận huyện trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, phó phòng giáo dục quận 3, cho biết: "Trong tình hình dịch bệnh TCM bùng phát hiện nay, hàng ngày giáo viên phải làm vệ sinh khử khuẩn đến 19 giờ trong khi không có khoản hỗ trợ nào khác. Trong khi đó, ngành y tế lại hay đi kiểm tra đột xuất, quy trình hướng dẫn phòng dịch không thống nhất khiến giáo viên vô cùng mệt mỏi, cứ hở ra là đòi phạt".


Bà Nguyệt cho biết thêm, hiện ngành mầm non của quận còn thiếu hơn 20 giáo viên và còn nhiều giáo viên muốn nộp đơn nghỉ việc. Không ít giáo sinh mới ra trường chứng kiến cảnh giáo viên mầm non làm việc quá vất vả, đã chán nản và bỏ đi luôn. Tại quận 8, tình hình cũng không khác mấy. Quận này có 4 trường mầm non bị dịch TCM tấn công, hiện tại còn thiếu tới 26 giáo viên mầm non, trong khi một số giáo viên đang lăm le nghỉ việc.


Bà Chung Bích Phượng, phó phòng giáo dục quận Tân Phú phụ trách mầm non cho rằng, cho dù tình hình bệnh TCM của quận đã tạm ổn (19 trẻ mắc bệnh từ đầu năm học), nhưng tất cả giáo viên mầm non vẫn phải làm các việc vệ sinh theo đúng quy định của ngành y tế. Theo bà Phượng, cứ với cường độ lao động này, sắp tới tiếp tục có đợt huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, tình hình chưa biết sẽ ra sao!


Trước bối cảnh này, các phòng giáo dục đành phải cố gắng động viên giáo viên mầm non bám trụ, vượt qua giai đoạn căng thẳng hiện nay, tuy nhiên nếu chỉ động viên thôi thì chưa đủ. Bà Lê Thị Phước, phó phòng giáo dục quận Tân Bình nói, phòng đã có ý kiến lên UBND quận đề nghị tăng tiền vệ sinh phí và cho phép các trường tự động bổ sung thêm giáo viên, tăng cường thêm nhân viên vệ sinh theo hợp đồng với kinh phí hỗ trợ qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế.


Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cụ thể
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, trưởng phòng giáo dục mầm non sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, xảy ra dịch bệnh không phải do lỗi của nhà trường, các trường chỉ có thể chung tay phòng chống và ngăn chặn lây lan cùng với những ban ngành khác. Ngành giáo dục và ngành y tế đã tổ chức tập huấn kỹ cho các phòng giáo dục cũng như các hiệu trưởng về phòng chống TCM. Tuy nhiên, do sĩ số học sinh trong lớp đông nên các trường sẽ rất khó khăn trong việc vệ sinh phòng ốc, vật dụng cho trẻ. Hiện nay, tiền vệ sinh vẫn chỉ thu 5.000 đồng/tháng/học sinh, đây là mức thu có từ chục năm nay. Nếu không có hỗ trợ nào khác, mức thu này sẽ không thể đảm bảo vệ sinh cho các cháu.


Theo sgtt.vn