Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sòng phẳng


Cô con gái 13 tuổi của tôi vùng vằng: "Lần này con không thèm ứng tiền mua đồ làm thí nghiệm cho chúng nó nữa. Điểm thì hưởng chung, mà cứ mình con lo đủ thứ. Mẹ biết không, nếu nhà chúng nó nghèo thì con không tiếc. Đằng này, nhà chúng nó khá giả. Vậy mà có mấy ngàn mua dụng cụ thí nghiệm không thèm trả con. Con ghét nhất là những đứa không biết điều...". Nói một hơi, con quăng cái cặp xuống sàn nhà.


Ta vẫn luôn dạy con biết tiết kiệm, biết giá trị của đồng tiền. Nhưng đôi lúc ta lại quên dạy con mình tính sòng phẳng. Chuyện tiền bạc là chuyện rất tế nhị, nếu không rõ ràng, rành mạch thì rất dễ mất tình cảm.


Con gái tôi là đứa cẩn thận nên được bầu làm thủ quỹ lớp. Chính vì cái tính cả nể mà nhiều lần quỹ lớp bị thiếu trước hụt sau. Và con thường tự lấy tiền riêng bù vào. Nhiều khi con nghĩ chỉ vài ngàn nên bỏ qua cho xong chuyện.


Nhân lúc con đang nhận ra thiếu sót trong cách quản lý quỹ của mình, tôi bắt đầu bàn với con để "làm việc sổ sách". Quản lý tiền bạc của mình là một việc rất khó, quản lý tiền người khác lại còn khó hơn nhiều. Để cho chuyện tiền bạc rành mạch không gây phiền toái cho mình, bản thân mình phải là người sòng phẳng.


Khi kế hoạch thu tiền đề ra, cả lớp đồng ý thì cứ xin chữ ký của từng người. Đã đồng ý thì sẽ nộp tiền, nếu không đồng ý thì nêu lý do cụ thể để mọi người chấp nhận. Cứ cho thời gian mấy ngày để các bạn chuẩn bị tiền, hết thời hạn là chốt sổ. Mỗi người khi đã ký tên đồng ý là phải nộp tiền đúng thời hạn.


Tiền thừa của mỗi người, cho dù chỉ năm trăm hay một ngàn đồng cũng phải thối lại. Không nên để các bạn nghĩ xấu về mình. Trong những thói quen mang tiếng nhất có thói quen "quỵt tiền". Những khoản tiền quỹ, tiền dùng để sử dụng chung thì cần được công khai minh bạch. Mọi thắc mắc về tiền cần được giải trình một cách rõ ràng.


Vay thì phải trả, nợ thì phải đòi. Ai cho mình tiền thì mình cảm ơn và mình đã cho ai tiền thì cũng đừng "lăn tăn" nữa. Nếu vay mà chưa có để trả thì cứ mạnh dạn trao đổi khó khăn để "chủ nợ" thông cảm và "giãn nợ" cho mình. Đừng cố im lặng, lẩn tránh hoặc lờ đi khiến chủ nợ khó chịu và bị động.


Mỗi lần ai nhờ mua đồ, hết bao nhiêu còn bao nhiêu thì nhớ trả lại. Nếu mình "ỉm luôn" tiền thừa thì người ta tưởng mình tính tiền công mua. Giá cả cứ công khai để cho người ta thấy mua đúng giá và yên tâm với đồng tiền của mình. Mình không phải là người mua đi bán lại kiếm lời nhưng vì thiếu thận trọng nên có thể làm người khác hiểu sai về mình.


Hai mẹ con nói với nhau rất lâu về chuyện tiền bạc: phải xin lỗi như thế nào khi mình vô tình quên hoặc giữ tiền của người khác quá lâu. Rồi chuyện "chẳng may" bị ai quên trả mình những đồng tiền dù ít nhiều cũng nên nhắc nhở. Cả chuyện "đòi nợ" phải tế nhị kẻo người ta khó xử. Trong chuyện tiền bạc cần được rõ ràng, sòng phẳng để khỏi mất lòng. Tiền là vậy đó, có thể làm cho người ta vui vẻ và biết ơn mình, nhưng đôi lúc có thể làm người ta hiểu nhầm và khó chịu.


Con gái tôi đã vui vẻ nhận ra rằng "cứ rõ ràng, sòng phẳng là bền lâu mẹ nhỉ".


Theo PN