Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chơi một mình


Là cán bộ hưu trí, nên vợ chồng tôi được mấy đứa em, đứa cháu tin cậy gửi con mỗi khi chúng bận việc.


Sân nhà tôi khá rộng, là của hiếm nơi khu phố này, nên luôn được bọn trẻ hàng xóm "chọn" làm sân chơi. Vì vậy, tôi có nhiều thời gian quan sát các cháu, hầu hết chúng là học sinh trường tiểu học Nguyễn Du, Q.12, TP.HCM.


Từ đầu hè đến giờ, tôi phát hiện những cô cậu nhóc này đặc biệt lạ kỳ ở chỗ chúng chỉ thích chơi một mình. Con trai thì luyện thảy yoyo một mình, chơi bài cũng một mình. Ở trong nhà thì chúng dán mắt vào phim hoạt hình, hết phim này bấm sang phim khác... Bé gái thường mải mê các trò game thời trang trên máy tính, cũng một mình, đứa khác thì bày thú bông, búp bê ra, mỗi bé một góc, đứa nào mải mê với trò của đứa ấy. Không đụng nhau, không cãi cọ.... Ông nhà tôi chặt một bẹ dừa, dạy chúng kết lá, chúng lắc đầu, chỉ ngồi im xem ông kết. Cầm mấy con cào cào, chuồn chuồn đẹp đẽ ấy chơi một hồi rồi chúng trả lại hết cho ông, còn nói: "Ông ơi, cái này không có máy, không chạy, không bay được, chán phèo!". Có lúc chúng tôi rủ chúng chơi chung, nhưng chỉ khoảng mươi phút sau, mỗi cháu lại ôm món đồ chơi của mình ra nơi khác, ngồi chơi tiếp... một mình!


Ảnh: GettyImages.com


Tôi hỏi sao các con không chơi chung, các cô cậu bé này trả lời chung ý: "Dạ thôi, con không chơi chung đâu bà ơi. Chơi chung mà con nói, bạn không chịu nghe!" Khi được hỏi: "Bộ con không thích người khác không nghe mình sao?", cô cậu nào cũng đáp lẹ: "Dạ, con ghét nhất là những người hay cãi lại mình! Vậy là chơi hết vui!". Đứa khác lại nói: "Đồ của ai người đó chơi, khỏi giành nhau bà ạ". Các láng giềng nhí của tôi chỉ chừng tám tuổi, 10 tuổi thôi, vậy mà đều không còn khả năng chơi cùng nhau nữa!


Nhớ lại ngày xưa, cỡ tuổi các cháu, tôi hình như chẳng có món đồ chơi riêng nào, vậy mà chúng tôi vẫn được vui chơi và chơi thật sung sướng. Chiều nào khoảng đồng rộng trước sân của trạm y tế xã cũng là nơi tập hợp của hầu hết trẻ con trong xóm này. Vì đông, nên chúng tôi thường chơi theo nhóm, nhóm đánh banh đũa, nhóm nhảy dây, nhóm chơi u, nhóm tạt lon, nhóm năm mười... Những bài hát nhẹ nhàng theo nhịp banh, tay chập... hình như làm dịu tính ăn thua, làm những đứa nhỏ chơi chung gần nhau, thương nhau hơn.


Chúng tôi chơi vô tư, không có chuyện "tranh giành ảnh hưởng hay vị thế", nhất là không ai nghĩ "cái tôi" của riêng mình. Những trò chơi tưởng chỉ là vô thưởng vô phạt ấy nghĩ lại chính là những bài học giao tiếp đầu đời. Nó giúp chúng tôi phát hiện ra cách thức "vào vai" trong cuộc sống sau này. Không phải ở nhà ba má không dạy cách chào người lớn, nhưng đâu có "hiệu quả" bằng khi chính tôi chơi trò đóng vai.


Còn bây giờ, thấy trẻ trong xóm chơi một mình, nhìn mấy cậu nhóc ở nhà cũng chơi một mình, tôi bỗng thấy buồn và lo lắng quá. Tôi tự hỏi, phải chăng vì ta cho trẻ nhiều đồ chơi quá, nhiều phương tiện quá, các trẻ mất đi khả năng chơi cùng chúng bạn? Tôi bỗng thấy hối hận khi nghĩ về cái thời cháu nội, cháu ngoại còn thơ bé, để an toàn cho cháu, các con tôi cứ đóng cửa, nhốt con trong nhà vì sợ xe cộ, sợ cháu bị dụ dỗ, bắt cóc... Bây giờ tới tuổi thấy cháu cần giao tiếp, "đẩy" ra - cháu không đi, mà còn rúc người vào nhà, rúc vào phòng riêng. Cháu tôi giờ chỉ khoái chơi game, xem tivi, ăn gà rán và chơi những trò chơi theo trào lưu như đĩa bay, yoyo... Dù vậy, cháu cũng không muốn cho ai đồ chơi đã cũ.


Ai cũng biết, để trẻ nhỏ chơi một mình là mất đi sự giao tiếp - một cơ hội để phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Chơi một mình cũng làm trẻ mất đi tính cộng đồng, khả năng sống trong tập thể, biết nén mình, kính trên nhường dưới, học hỏi lẫn nhau, đoàn kết, tương thân tương ái... Trước mắt, khả năng trẻ bị cô đơn, sống ích kỷ... là những điều có thể nhìn thấy. Thế nhưng, những ông bố bà mẹ thời chúng ta hôm nay, kiếm đâu ra thời gian cho con, bên con. Nghĩ mà lo lắng quá.


Theo PN