Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vui buồn chuyện lì xì Tết cho con trẻ


Những phong bao lì xì đỏ thắm luôn được các em nhỏ háo hức mong chờ - Ảnh: Inmagine
Lì xì từ xưa đã được xem là là một phong tục tốt đẹp của Tết Nguyên Đán. Những phong bao màu đỏ với 1 tờ tiền tượng trưng thường được trao cho trẻ con nhằm mang đến sự may mắn, sức khỏe và những điều tốt đẹp trong năm mới. Nhưng ý nghĩa đó nay đã dần mai một bởi giá trị của tiền bạc chiếm hữu.

Chị Hằng, giáo viên mầm non tại TP. HCM về quê Bình Định ăn Tết. Trước khi về, chị đã cẩn thận đổi 500 ngàn tiền lẻ mới để lì xì cho con cháu. Vì nghĩ trẻ con ở quê chắc lì xì in ít các cháu cũng vui nên chị bỏ mỗi phong bao 20 ngàn. Tối 30 chị mang ra lì xì các cháu. Cu Quyền, cháu nhỏ nhất nhà, mới học lớp 1 bóc ngay phong bao và buông một câu gọn ơ: "Có 20 ngàn mà cô Tám cũng lì xì!". Cả nhà cũng ngớ ra, bố mẹ cháu xấu hổ bảo con xin lỗi, cháu vùng vằng bỏ đi. Chị Hằng tâm sự: "Thật tình câu nói của cháu cứ làm tôi suy nghĩ mãi những ngày sau đấy. Trao phong bao cho đứa nào tự nhiên cũng thấy lo chúng chê dù tối ấy tôi về bỏ thêm mỗi bao 1 tờ 20 ngàn nữa rồi!".

Cùng tâm trạng với chị Hằng, anh Nghĩa cũng cảm thấy ái ngại cho chuyện lì xì không kém. Anh bộc bạch: "Mình tới thăm xuân nhà ai, cứ thấy con nít là lì xì, nhưng phải chăng vì thế mà tạo thói quen cho chúng. Nhiều nhà, mỗi đứa đeo hẳn một chiếc túi nho nhỏ ngang người, thấy người lớn vào nhà là lại chạy lên... đợi. Có khi mải nói chuyện quên không lì xì, ra cửa về chúng nhắc thẳng: chú quên lì xì cho cháu rồi à? Mình vội vã móc ví, vừa ngượng với chủ nhà vừa cảm thấy buồn."

Cách ứng xử của con trẻ với chuyện lì xì từ lâu đã được bàn tới nhưng có lẽ do nhiều phụ huynh lơ là, hay viện cớ "trẻ con mà!" nên cứ "thả" con "tự nhiên" như thế. Nhưng thực chất đấy là vấn đề rất đáng quan tâm. Bởi nó không chỉ thể hiện cách ứng xử của con trẻ mà còn là cách dạy dỗ, chỉ bảo của người lớn. Đôi khi chính vì cách hành xử hàng ngày của bố mẹ, cách sử dụng tiền bạc, cho con tiền, bày con tiêu... đã hình thành nhận thức sai lệch trong con cái về vấn đề này. Con nhỏ có cách dạy cho con nhỏ, con lớn hơn có cách giáo dục khác, không thể đánh đồng với hai chữ "con nít" để rồi phải xấu hổ trước những vị khách đến thăm nhà ngày đầu xuân.

Nguồn: Webtretho