Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Học nói với con


Đến bây giờ, khi buộc phải cho con chuyển trường vì cô giáo phản ánh con thường xuyên hay nổi khùng, cáu kỉnh khi chơi với các bạn ở lớp, mẹ mới thấy mình thật sai lầm.

Con là con gái "rượu" của mẹ. Vì là con đầu cháu sớm nên con được cả nhà cưng chiều hết mực. Nhất là khi con chập chững biết đi và bập bẹ nói thì mẹ tưởng rằng chẳng có gì phải lo lắng vì con yêu của mẹ đã phát triển toàn vẹn cả rồi. Để nựng con, mẹ thường xuyên nói nhại kiểu: "Con ăn cơm với gì? sịt (thịt) nhé?"-mẹ hỏi. "Không măm sịt, măm ạc (lạc) cơ". Khi cần uống nước, con ê a: "Nước oọc". Thay vì vừa đưa nước cho con, mẹ vừa uốn nắn: "Nước lọc của con đây" thì mẹ lại nói nhại theo con: "Nước oọc đây"...

Trong nhà, chỉ có bà và mẹ giải mã được những câu nói của con. Nhưng khi mẹ đi làm, bà lên chùa, thì ông nội và bố thường xuyên bị con ăn vạ bằng cách lăn đùng ra nền nhà hoặc lăn xả vào cắn vì chẳng ai hiểu ngay con muốn nói gì.

Con đi học mẫu giáo. Mẹ thường xuyên được cô giáo phàn nàn rằng con hay cáu kỉnh, hay cào, cấu bạn khi chơi cùng. Cô không nói nguyên nhân, nhưng mẹ biết con mẹ thế nào. Chắc chỉ tại các bạn không hiểu ý con nói, không làm theo con bảo nên con mới có hành động như thế.

Đến giờ, mẹ mới nghiệm ra một điều rằng, thành công lớn nhất của mẹ trong những năm đầu đời của con không phải là con biết đi vững trên đôi chân mà là khả năng biết nói đủ điều. Thoả mãn trong giao tiếp sẽ giúp con bước sang một thế giới khác, thân thiện hơn, phải không con?

30 tuổi. Mẹ lại uốn lưỡi để học nói với con những từ thật chuẩn.

Mẹ Bống - Theo Giadinh.net