Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cùng bé yêu khai bút sau giao thừa


Khai bút đầu năm là một phong tục đầu năm cầu chúc cho con một năm mới học giỏi, thông minh, gặp nhiều may mắn. Đây không phải là một phong tục bắt buộc trong ngày Tết nhưng hiện nay rất nhiều bố mẹ, nhất là bố mẹ có bé đi học coi trọng tục khai bút đầu năm.

Chị Thanh (ĐH Công Đoàn - Hà Nội) cho biết: "Theo mình, khai bút đầu năm sẽ đem lại nhiều sự may mắn trong năm mới. Năm nào cũng vậy, cứ sau giao thừa hoặc sáng mùng 1, mình lại giục cu Tí đi khai bút.

Năm đầu, cu cậu còn hỏi mẹ: "Khai bút là gì hả mẹ? Sao con lại phải tập viết vào giờ này?". Sau khi nghe mẹ giảng giải, cu cậu rất hớn hở khoe với bố: "Con tập viết giờ này để học giỏi, viết đẹp đấy".

Trong lần khai bút đầu tiên, cu Tí viết dòng chữ: "Con hứa sẽ ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ và đạt nhiều điểm 10".

Từ đó cứ đến đêm giao thừa, cu cậu lại nhắc mẹ cho "khai bút".

Bé khai bút đầu năm với mong muốn học giỏi và gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thai cho biết: "Cùng với cho chữ, xin chữ, chơi chữ, khai bút đầu năm là một cử chỉ văn hóa đẹp và giàu ý nghĩa, gắn với truyền thống hiếu học của ông cha ta. Khai bút với ý nghĩa gặp những điều tốt lành, thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa, đề cao sự học. Đây là một tập tục đẹp, một nét văn hóa Tết đáng được nhân dân ta giữ gìn, phát huy về sau".

Với các bé, bố mẹ giúp bé hình thành thói quen khai bút đầu năm là một việc làm tốt đẹp. Bố mẹ đã dạy bé biết về nguồn cội và giúp thế hệ mai sau lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Bố mẹ có thể cùng bé khai bút ngay sau thời khắc giao thừa, hoặc vào sáng mùng 1 Tết. Khai bút còn có ý nghĩa thiết thực là nhắc bé không quên nhiệm vụ học hành trong thời gian nghỉ Tết xả láng.

Nhiều bố mẹ đã hiểu sai về phong tục tốt đẹp này, bắt bé "khai bút" bằng việc viết mấy trang vở. Đôi khi, chỉ cần bé khai bút bằng việc viết một vài từ đơn giản.

Theo afamily