Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

"Xin đừng nặng lời với các cô giáo mầm non!"


Chào tất cả các Bố và các Mẹ! Mình là một giáo viên mầm non, thật sự là mình ko có ý định viết bài này, nhưng sau khi đã rất kiên nhẫn đọc hết 13 trang trong bài " Giáo viên mầm non chê tiền ít trả lại phụ huynh " thì mình thấy buồn kinh khủng. Lặng người đi, ngồi nhìn bài viết, đọc những lời động viên, những lời góp ý của các mẹ trên diễn đàn, mình quyết định trải lòng một chút. Mong các bố và các mẹ lắng nghe những tâm sự của mình!.

Trước tiên cho mình thay mặt cô giáo trong bài viết trên xin lỗi gia đình bạn chủ topic về hành vi và những lời nói phản giáo dục kia! Là một giáo viên mầm non , mình thật sự buồn và mong các mẹ hãy nghĩ rằng đó chỉ là một cô giáo ko xứng đáng với nghề giáo (nhất là giáo viên mầm non - những người cần có hành vi và ứng xử đúng mực nhất). Bạn ấy chỉ là số rất ít thôi , ngành mầm non còn rất nhiều các cô giáo tận tâm và xứng đáng là mẹ hiền của các con. Nhân tiện, mình cũng cảm ơn tất cả các mẹ và các Bố đã hiểu, đã thông cảm và động viên các cô giáo mầm non như bọn mình.

Là một giáo viên dạy 16 năm trong ngành mầm non, mình đã trải qua và cảm nhận đủ cả niềm vui và nỗi buồn của nghề. Đôi khi vui vì những thứ rất nhỏ thôi: có bé tự nhiên ôm lấy mình nói " Hôm nay, con thấy cô rất lạ ". Mình hỏi " Vì sao con? " Bé trả lời " Vì cô để tóc xoã rất xinh ! " (Mọi khi mình buộc tóc cao để dễ làm việc khi chăm các con). Khi hỏi bé "Con yêu ai ?", bé trả lời "con yêu cô" , mình tự nhiên thấy ấm áp lạ...

Nhưng nhiều lúc, mình cũng buồn vì các bé ko nghe lời, khi nhận được những câu nói của các phụ huynh chưa được đúng mực .Các bạn có tin không - có phụ huynh chửi cô giáo thậm tệ khi đến trường đón con về và thấy con bị bạn cào xước mặt .Mình viết ra đây ko phải kể lể mà chỉ mong các bố và các mẹ hãy cảm thông hơn với các cô. Có khi cô ngồi ngay bên cạnh , nhưng rất nhanh các bé cào hoặc trêu đùa nhau, cô nhìn thấy mà ngăn ko kịp .Cũng có trường hợp các bé vấp rồi ngã va vào bàn hay ghế, rồi khi cất ghế va vào bạn, bị tím mặt hay tay chân...Những tình huống ấy chẳng cô giáo nào mong muốn cả. Bản thân các cô khi chăm các con ngại nhất là khi trả con về mà con bị xây xát và phải xin lỗi phụ huynh.

Bên cạnh đó, đúng là bọn mình cũng phải rút kinh nghiệm nhiều như góp ý của các mẹ. Bản thân mình cũng có lúc không kiềm chế được khi phân tích rất nhiều lần mà có bé vẫn có hành động đánh các bạn, thậm chí mình đã phát vào mông con khi con đẩy bạn ngã ra rồi dẫm vào mặt bạn cùng lớp. Đến chiều mình đã phải gặp phụ huynh và chị xin lỗi anh chị ấy.

Đọc câu chuyện "Cô giáo mầm non chê tiền ít" mà mình buồn quá. Có mẹ nói rất nặng lời về cô giáo, có thể mẹ ấy bức xúc quá thôi, nhưng vẫn thấy chạnh lòng ...Đúng là giáo viên mầm non ngày trước chỉ học đến trung cấp thôi, nhưng giờ thì rất nhiều các bạn học đại học (khoa Mầm non - DHSP) tham gia giảng dạy. Thậm chí bây giờ mà mang bằng trung cấp đi xin dạy ở Hà Nội thì chắc ko xin được, các trường ngoài các tiêu chuẩn khác ra thì ko còn nhận trung cấp nữa. Còn theo riêng mình , thì giáo viên mầm non trước tiên cần cái TÂM và LÒNG NHIỆT TÌNH. Có tâm và lòng nhiệt tình mới chăm các con như con mình được. Nghề giáo viên mầm non ko đòi hỏi các cô phải thật sự giỏi về kiến thức, một chút công nghệ thông tin để giảng bài tốt hơn , khéo tay chút để làm đồ dùng trang trí lớp , nhẹ nhàng và ứng xử đúng mực để các con HỌC cô - vậy là đủ.

Trở lại vấn đề phong bì , Mình buồn vì có mẹ đã dùng từ "cho" khi nói về chuyện này .Các mẹ biết không?. Đúng là cô nào cũng rất vui khi đến ngày 20/11. Bên cạnh không khi của ngành, hạnh phúc lớn lao hơn là nhận đuợc những lời chúc rất trân trọng của phụ huynh và các con. Khi các mẹ tặng phong bì,tặng quà, bọn mình cũng bớt được nhiều lo toan so với mức lương bình thuờng hàng tháng. Hôm 20/11, điều làm mình xúc động nhất là việc bà của một cháu học sinh mang hoa lên tặng cô. Bình thường bà đã rất khó khăn khi trèo từ tầng 1 lên tầng 2 đưa bé đến lớp mình, phải bám vào lan can cầu thang (nếu bọn mình nhìn thấy thì sẽ giúp bà đưa bé lên trên lớp. Nhưng đôi khi, bé lại cứ nằng nặc đòi bà đưa lên cùng). Vậy mà hôm qua mình thấy bà lê từng bước, hai tay cầm 2 bó hoa mất rồi, nên ko vịn vào cầu thang được nữa. Lúc lên đến nơi Bà trân trọng nói từng câu chúc các cô nhân ngày 20.11, mình thấy cay cay khoé mắt...Những lúc như thế, thấy yêu và gắn bó với nghề của mình hơn rất nhiều...

Năm nay, mình cũng buồn khi phải trả lại một phong bì của một phụ huynh học sinh. Ngoài lề chút nhé! Chị ấy là trưởng phòng của 1 cty và là một phụ huynh rất nổi tiếng trong trường mình ở vấn đề quan tâm (phong bì) cho các cô giáo đã từng dạy con gái. Nhưng mình ko hề hài lòng khi chị ấy chị ấy đưa phong bì cho con gái và bảo "đưa cô đi" khi thấy mình chạy ra đón con gái vào lớp. Vậy là bé lấy phong bì đưa cho mình và nói như thế này " Mẹ con bảo đưa cô phong bì !". Chị ấy bình thản cuời và định quay về . Cô giáo cùng lớp mình nhận , còn mình đợi cô giáo ấy đi vào vội nói nhỏ với chị ấy: " 20.10 Mẹ tặng cô N nhiều lắm rồi! Lần này cô N ko nhận nữa đâu. mẹ cầm về nhé !". Chị ấy lại bảo: " Thôi cô nhận đi!". rồi biến mất . Mình ko hề bóc chiếc phong bì ấy ra, mặc dù biết nó có giá trị lớn. Chiều Mình để phong bì vào balo của con gái chị ấy và nói với bà giúp việc là cho cô N gửi về cho mẹ của bé. "Cách cho hơn của đem cho". Không hiểu mình sẽ dạy bé học sinh như thế nào mẹ của bé ứng xử như vậy.

Trên đây là vài câu chuyện nhỏ của mình. Hi vọng các bố, các mẹ không mất đi cái nhìn tốt đẹp về công việc mà mình luôn yêu và gắn bó. Vẫn còn nhiều cô giáo mầm non tận tâm với nghề lắm!.

Trích email của cô giáo Phương Nhi (nickname: phuongnhihn).

Bi kịch hậu 20/11: Cô giáo chê phong bì quá ít!

Những nỗi buồn mang tên 20/11

Mới đây, trên một diễn đàn lớn đã xuất hiện topic về ngày 20/11 đầy bức xúc. Câu chuyện được bàn tán là việc một nhóm giáo viên mẫu giáo ở quận Thanh Xuân - Hà Nội trả lại tiền biếu của gia đình học sinh với lý do: "100.000 đồng mỗi người thì ít quá, chẳng cầm làm gì".

Trước khi tuyên ngôn xanh rờn như thế, các cô cũng đã nhắn nhủ "một cách tế nhị" qua học sinh: "Nhớ là năm nay lớp mình có 3 cô giáo cơ đấy nhé".

Ngay lập tức, hàng loạt thành viên đã có bài phản hồi. Ai cũng tỏ thải độ bất bình với hành vi xử sự của những cô giáo này và ngoài ra còn nhiều lo lắng, chột dạ: "Liệu mình đi phong bì 100.000 đồng cô có chê ít không"?, "Liệu mình không đi phong bì mà đi quà cô giáo có hài lòng không?".

Tuy nhiên, tựu chung lại, số đông đều sốc và bày tỏ nỗi buồn về hành vi ứng xử của cô giáo.

Trường hợp ở diễn đàn trên không phải là hi hữu. Theo một blogger là phóng viên của một tờ báo uy tín, tại một trường tiểu học dân lập khác ở Hà Nội, cô giáo chủ nhiệm đã cầm bó hoa của cháu bé lớp 2 tặng cô nhân ngày 20/11 bẻ gập lại rồi lạnh lùng nhét vào cặp của cháu. Hậu quả là cháu bé sợ hãi khóc mãi không thôi, còn cặp sách của cháu thì nhàu nát, nhoe nhoét bẩn do hỗn hợp dầu gội đầu + bó hoa nát + sách vở trộn lẫn với nhau. Trước đó, khi bố mẹ gọi điện chúc mừng cô, cô đã gợi ý rằng "mọi thứ cứ thực tế cho nhẹ nhàng kín đáo". Vì không muốn con tiếp xúc sớm với "văn hoá phong bì", nên câu chuyện buồn lòng đã xảy ra.

Chị Nguyễn Thị Hồng, một phụ huynh có con học mẫu giáo ở Cầu Giấy - Hà Nội thì gặp tình huống bi hài. Khi chị bước vào một hàng tạp hoá định mua đồ thì bắt gặp cô giáo chủ nhiệm con mình đang than phiền với mẹ - chủ cửa hàng: "Phụ huynh năm nay cứ tặng quà, chẳng tặng tiền cho dễ xử lí, bực thế".

Khi con sâu làm rầu nồi canh
Trao đổi với các cô giáo ở 2 trường mẫu giáo lớn của quận Thanh Xuân là Trường Mẫu giáo Thanh Xuân Bắc và Trường mẫu giáo Tràng An, các cô đều tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin này.

Cô Thu Hường cho biết: "Việc học trò và phụ huynh tặng quà cho giáo viên là hạnh phúc mà không phải ngành nào cũng có được. Vì vậy, mỗi bông hoa, mỗi tấm thiệp hay món quà chúng tôi đều rất trân trọng. Trường hợp cô giáo kia có lẽ chỉ là chuyện hi hữu xảy ra, làm xấu đi bộ mặt của ngành mầm non".

Cô Nguyễn Hằng (giáo viên trường mầm non Hoa Mai - Hà Nội) cũng khẳng định: "Khi bước chân vào nghề giáo, chúng tôi đều đã xác định công việc và thu nhập của mình. Bởi vậy món quà của phụ huynh ngày 20/11 không thể coi là thu nhập. Nếu món quà xuất phát từ tấm lòng, thiết nghĩ giáo viên nào cũng nên trân trọng".

Những cô giáo gợi ý tặng tiền, chê hoa ngay trước mặt học sinh không chỉ tạo hình ảnh xấu trong mắt các phụ huynh mà còn làm hỏng tư duy của các cháu. Ở độ tuổi mà mọi thứ từ bên ngoài đều mới bắt đầu được cảm nhận, các cháu sẽ nghĩ gì khi lòng biết ơn, sự kính trọng của mình bị hắt hủi bằng những hành động thiếu tình yêu thương của chính những người hàng ngày gắn bó với mình.

Khi được hỏi, cách xử lý nếu gặp cô giáo chê tiền, bẻ hoa như trên, nhiều phụ huynh đưa ra giải pháp chuyển trường cho con. "Chỉ có chuyển trường cho con mới giúp bé quên đi cảm giác cũ về cô giáo. Vả lại, cô giáo như thế mà dạy con thì có lẽ con mình sẽ hỏng mất thôi", chị Hồng Vân (một phụ huynh học sinh trường mẫu giáo Thanh Xuân Bắc) chia sẻ.

"Kinh tế thị trường đã đưa con người đi tới những ngã rẽ rất khác nhau về hành động. Nhưng ở thời đại nào, thì nghề giáo vẫn là nghề cao quý nhất, người giáo viên vẫn là những người cần giữ thiên lương trong sạch nhất" - một phụ huynh nhắn nhủ trên diễn đàn bàn chuyện "cô chê tiền ít".

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tâm sự trong dịp 20/11/2006: "Biếu thày cô một ít tiền dịp 20/11 không có gì phải ngại nếu như thật sự xuất phát từ tấm lòng. Nhưng cả phụ huynh và thầy cô đều phải nhận thức được, nên thể hiện việc biếu tiền và nhận tiền ở mức độ nào. Nếu nhận mà không thấy vui, mà thấy chịu một áp lực phải làm gì đó có lợi cho con của người tặng thì còn tư cách nào mà dám đứng trên bục giảng nhìn thẳng vào học trò."

Theo afamily