Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lồng đèn của bố


Ảnh minh họa lấy từ zonzon123
Cho tới nay, đã hơn bốn mươi năm trôi qua, thế mà tôi vẫn cứ nhớ như in trong đầu kỷ niệm tươi đẹp về một khung trời tuổi thơ: Đó là chiếc lồng đèn của bố làm ra.

Ngày đó, gia đình tôi ở trong xóm lao động tại quận 4 - Sài Gòn. Mẹ tôi có cửa hàng bán dép, giày da tại đường Tôn Thất Thiệp. Cuộc sống tương đối sung túc, vì đồng lương của bố dư sức nuôi cả nhà, do vậy thu nhập của mẹ là nguồn dự trữ cho tương lai con cái.

Bố rất bận rộn, ngoài giờ hành chính còn đem cả việc về nhà làm. Ấy vậy mà năm nào cũng thế, hễ trước tết trung thu khoảng một tuần, sau buổi làm, bố sẽ mua về vài lóng tre, giấy kiếng màu, dây kim tuyến, màu nước và các thứ linh tinh để chuẩn bị làm lồng đèn cho hai anh em tôi.

Ngày chủ nhật, bố kêu chúng tôi ra sân cùng với bố bắt đầu làm lồng đèn. Bố hỏi ý kiến từng đứa xem thích loại lồng đèn gì, để thực hiện đúng như ý. Bắt đầu là chẻ tre, uốn nắn tạo hình, dán giấy kiếng, vẽ trang trí... Vừa làm, bố vừa giải thích để chúng tôi hiểu cách thức thực hiện từng công đoạn.

Với tôi, đó là những phút giây tuyệt vời, hạnh phúc không thể nào tả được. Lòng vô cùng thích thú khi thấy cái lồng đèn mình yêu thích dần dần hiện hình. Bố khéo tay lắm, nên đèn làm ra chẳng thua kém gì đèn bán ngoài cửa hiệu.
Mẹ tôi thấy mấy bố con đánh vật với đèn đóm có vẻ vất vả, mới bảo bố: "Sao anh không mua lồng đèn cho con, mà lui cui làm chi cho cực thân vậy? Để thời gian nghỉ ngơi cho khoẻ!". Bố giải thích: "Mua lồng đèn thì quá đơn giản rồi, anh muốn tự mình làm là để cho con thấy được giá trị của sự lao động khi làm ra sản phẩm, và nhân tiện hướng dẫn cho con biết kỹ thuật làm lồng đèn để mai này lớn lên, con mình biết chỉ lại cho cháu mình nữa chứ!".

Ngày đó, tôi, một đứa trẻ mới lên tám, nhưng cũng đã lờ mờ hiểu được ý nghĩ vô cùng nhân văn của bố muốn thể hiện qua việc "lui cui" làm lồng đèn cho con, nên căng đôi mắt chú tâm theo từng động tác.

Đèn làm xong, anh em tôi thích quá nhảy cà tưng, chỉ trông cho trời mau tối để được đốt nến mà đi khoe với đám bạn. Đến đêm trung thu, sau khi cơm nước sớm hơn mọi ngày xong, bố trao cho anh tôi một bao nến đủ màu xanh đỏ tím vàng, khá nhiều và cái hộp quẹt diêm. Bố dặn anh phải luôn để mắt tới em kẻo bị phỏng lửa, phải nhớ chia nến cho những bạn nào không đủ nến thắp.

Anh em tôi và lũ bạn cùng xóm rước đèn đi loanh quanh khắp xóm, miệng hồn nhiên hát vang bài ca "... đèn ông sao với đèn cá chép..." trong nỗi sướng vui ngập tràn. Bố tế nhị, chu đáo và nhân ái với cả con nhà hàng xóm, nên anh em tôi rất được chúng nó nể vì.

Kỷ niệm làm lồng đèn đã lưu dấu trong tôi cho đến khi trưởng thành. Tôi đã trở thành "phiên bản" của bố, nên rất khéo tay và cũng hay làm đèn cho con trai mình mỗi độ tết Trung thu về.

Càng ngày, tôi càng thấm sâu giá trị giáo dục của bố. Đâu chỉ là cái đèn cho con vui chơi theo nghĩa thường tình, mà chính bố đã thổi hồn vào trong đó, cho nên sức sống lại trỗi dậy mãnh liệt mỗi khi tôi nhìn con trẻ rước đèn tháng tám, dù trên đầu tôi nay đã lớm chớm những sợi tóc pha sương.

Theo TTO