Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cảm nhận của con trai về cha


Ngày của cha không phải một ngày để chúng ta tặng cha những món quà được gói gém cẩn thận, và cũng không phải một ngày để lăng xăng chạy về gặp gỡ dăm ba câu trò chuyện rồi mất hút.

Bao biến cố của cuộc đời làm sao xoay chuyển được tình cha dành cho con. Không quản khó "mang nặng, đẻ đau" như mẹ nhưng với mỗi người cha, đó là hạnh phúc nói lên trên ánh mắt khi tuổi đời không còn trẻ.

Tôi biết bờ vai của người đàn ông luôn ấm áp, vững chãi để có thể là điểm tựa của vợ con, nhưng cũng là đòn gánh nặng cho gia đình với mối lo cơm áo gạo tiền.

Tôi vẫn biết trên khóe mắt cha có một đường dài của nước mắt đã bào mòn đi phần da thịt theo năm tháng. Dãi nắng dầm mưa trong từng chuyến xe chở con đi học, dẫu không nói được bằng lời nhưng trong từng vòng eo con ôm là chan chứa những hạnh phúc khi còn có cha bên cạnh.

Tôi biết bàn tay cha có những vết chai sần làm lụng, cũng là bàn tay cha chặt roi đe nẹt khi bài kiểm tra năm điểm con lén giấu đi mất.

Tôi nhận ra mái tóc cha bạc đi nhiều sau những lần mong ngóng con về trong dịp lễ tết. Đó là những mưa nắng của thời tiết, những khắc nghiệt của thời gian ghi dấu lại như đánh thức con giữa những bộn bề cuộc sống đang diễn ra quanh mình. Thương tổn của thời gian hằn trên người cha đã làm những đứa con khi về thăm cha không khỏi nghẹn ngào xúc động. Mới đây nhìn cha đã già đến thế sao?

Người ta vẫn nói con trai thường khó bày tỏ cảm xúc hơn con gái, nhưng tôi biết đâu đó giữa hàng triệu người con vẫn đau đáu trong lòng mong muốn được tri ân và tỏ lòng cho những người cha thầm lặng đồng hành theo từng bước đường con đi.

Có người con trai Việt Nam từng sang Hàn Quốc lao động không may mắn bị chặt đứt bàn tay, đến khi có một nhóm bạn trẻ muốn báo tin về gia đình thì anh nhẹ nhàng nói: "Tôi không sợ thân thể mình bị đau, nhưng sợ nếu cha tôi thấy sẽ rất đau đớn cho một phần máu thịt của mình bị tổn thương!".

Tôi từng nghe một câu nói rất dễ thương của một học trò lớp 1 khi cô giáo hỏi:
- Sau này em muốn làm gì?
- Dạ thưa cô, em muốn trở thành cha. Cậu bé nhanh nhảu đáp.
- Sao em lại muốn làm cha? Cô giáo ngạc nhiên hỏi.
Cậu học trò lúng túng nhưng trả lời kính cẩn:
- Dạ thưa cô, vì cha em rất giỏi!

Câu chuyện của cậu học trò làm tôi suy nghĩ về tất cả những gì cha đã hình thành nhân cách trong tôi. Đó là những đức tính suốt đời tôi vẫn mang theo. Cha dạy làm con trai phải rèn luyện tâm cho vững, trí cho sáng, dũng bên mình. Đó là khi cha đón nhận hạnh phúc từ một người con trai đã trưởng thành đứng dậy.

Sau này lớn lên chẳng có mấy dịp được cạnh cha để ôm chặt eo bụng cha và nhắm tịt mắt giữa cơn gió mát, tôi thèm một tiếng gọi "Cha ơi!" rồi chợt chảy nước mắt vỡ òa. Lại một ngày của cha sắp qua đi, cha tôi lại già thêm một tuổi. Một tuổi là một mùa xuân, tôi biết chắc hẳn cha sẽ không biết sự tồn tại của ngày lễ này... Nhưng với mỗi phận làm con, đó là một ngày lễ tri ân sâu sắc từ trái tim con trai này. Những dòng chữ ít ỏi chưa xong nhưng sống mũi con đã cay xè rồi, cha ơi!

Theo TTO