Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhất Quỷ Nhì Ma


Chúng tôi gồm hai cô cai quản tất cả hơn 50 nhóc tì cả gái lẫn trai. Mới lên 5 lên 3 nhưng chúng thật xứng đáng đứng thứ tư trong bảng xếp hạng: "Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò", lũ nhóc của tôi đứng thứ tư: em lũ học trò.

Nhớ hồi mới nhận lớp, đa phần các bé khóc lóc rất ghê. Đi học đối với bé như là một hình phạt nặng nề lắm: "Bố mẹ ơi sao bỏ con ở đây!", "Cô ơi cho cháu về nhà"...Ấy vậy chỉ một tháng sau quen lớp, khi các bé thích nghi dần với sinh hoạt ở lớp mẫu giáo cũng là lúc "phần tử" quậy phá bắt đầu xuất hiện và đi vào...hoạt động.

Chúng tôi luôn để mắt thường xuyên bao quát cả lớp. Nhưng vẫn có những lúc chúng lọt khỏi tầm kiểm soát của hai cô giáo.Trong lớp có bé trai tên là Thái Lê, biệt hiệu mà ở nhà và sau đó các bạn cùng lớp cũng gọi theo là "Sắt". Trông mặt đã thấy rất là "Sắt" rồi. Hai mắt xếch cao tận thái dương, lúc nào cũng nhìn theo hướng gườm gườm ngước lên, hiếm khi thấy bé mỉm cười. Điều đáng nói là "Sắt" vô cùng thông minh. Học gì ở lớp bé đều nhớ hết như một máy quay phim. Mặc nhiên Sắt trở thành thủ lĩnh của đám con trai và đối tượng chú ý của đám con gái. Sắt luôn luôn khởi đầu mọi trò chơi tinh quái. Giường ngủ của lớp được cô xếp chồng lên nhau. Bé leo lên, rồi từ trên cao hơn một mét nhảy xuống đất. Các bé khác làm theo thành một trò chơi nhảy dù hào hứng. Thật là nguy hiểm nếu có bé nào ngã xuống nền gạch. Trò này bị cô cấm thì lập tức chúng nghĩ ra các trò khác. Lũ nhóc trong lớp thích chơi với Sắt, thích làm vừa lòng nó. Giờ ăn cơm, bạn đi chia cơm bao giờ cũng chia cho Sắt trước tiên, nó luôn được dành cho một chiếc thìa I nox mới nhất và dày nhất. Một hôm chiều muộn, tôi thấy bé Mai len lén giấu cái gì đó vào túi áo, thái độ rất đáng phải hỏi thăm. Thì ra bé có một tờ phiếu bé ngoan. Hỏi kỹ mới biết mỗi cháu trong lớp đều có một cái không vào dịp cuối tuần. Sắt tìm được tập phiếu cô quên trên giá và lẳng lặng phân phát cho các bạn. Sắt làm trung tâm chú ý của lũ trẻ nhưng cũng là một đối tượng để các bạn khác không ưa. Bé rất hay bị mất dép. Kỳ lạ là chúng tôi đã tìm khắp nơi mà không thấy. Đến một lần thì chính thủ phạm giấu dép đã "khai" ra: ở gầm cầu thang, nơi làm chỗ lưu bàn ghế, tủ hỏng. Tôi lấy điện thoại di động soi kiểm tra, đúng là có dép thật. Mất một buổi chúng tôi khuân đồ hỏng ra ngoài để lấy dép cho Sắt, ba đôi liền. Bé kia giải thích: tại bạn ấy không cho cháu chơi cùng.

Các bé chưa ý thức được sự nguy hiểm nên thường đã nghịch là nghịch dại. Cho dù lớp học đã được thiết kế đảm bảo an toàn cho các cháu: cửa sổ, bàn ghế, đồ chơi... tất cả đều được cân nhắc cho phù hợp với trường mầm non. Nhưng quả thật không phòng tránh được hết tất cả mọi rủi ro. Bé Minh thưa cô rằng bé đã nhét viên hạt cườm to của bạn vào... mũi. Cô vội hớt hải đưa bé đi bác sĩ. Lấy được hạt đó ra, bác sĩ đưa cô bảo đem về làm kỷ niệm. Nhiều lần xảy ra những trường hợp tương tự, nào hạt đỗ đen, nào viên hạt cườm, nào viên bọt biển...đều có thể "cất" vào lỗ tai hay lỗ mũi. Cũng có lúc bé "giữ" trong miệng những vật dụng hay đồ chơi. Điều này thật nguy hiểm. Đã có trường hợp đáng tiếc do nuốt phải những thứ ngậm trong miệng, nó chèn đường thở làm bé bị ngạt. Ở lớp tôi đầu năm học xảy ra một trường hợp thật...hú vía. Bé Quang Anh nghỉ, bố đến trường mặt mũi ngơ ngác xin phép rằng bé đang ở bệnh viện do nuốt chửng chiếc chìa khóa tủ, chụp phim lên thấy cái chìa khóa dài hơn 4cm vừa ở dạ dày, lúc nữa đã trôi xuống ruột, không mổ được đang theo dõi. "Giỏi" thật, làm sao mà "ăn" được cái chìa khóa nhỉ? Giỏi hơn nữa cơ các bạn ạ, bé khiến cả nhà thở phào như "gặp may" lúc phát ra tiếng "coong" của cái chìa rơi xuống bô. Mẹ bé khoe cái cái chìa "sơ cua" cho cô xem, nói cái kia đang treo trong nhà làm kỷ niệm. Hành động dại dột của Quang Anh được cô đưa ra "thảo luận rút kinh nghiệm trong tập thể" để phòng ngừa các vụ ngậm nuốt tương tự. Bắt tay bà mẹ may mắn, tôi cũng cảm thấy các cô giáo cũng quá ư may mắn. Nếu xảy ra chuyện đó tại lớp mà bé không tự "cho ra" cái chìa khoá tai vạ ấy thì mấy cô giáo chúng tôi sẽ ra sao? Chắc sẽ nổi tiếng trên báo chí lắm đấy. Tha hồ mà nhận mức kỷ luật, có khi còn mất việc nữa.

Ai đã từng xem phim hoạt hình: Con ma Casper chưa? Thấy hình ảnh lúc kinh hoàng thì hai con mắt phải được cho nhảy tưng ra ngoài đến nửa mét không? Hai con ngươi của tôi nó cũng y như thế khi mà các bé mách có bạn vừa nhổ nước miếng vào tô canh. Cô được nghe giải thích là bé đang thử xem nếu nhổ vào đó thì nước bọt hay canh sẽ nhẩy ra ngoài. Vụ việc này được giải quyết khác vụ trước, kín đáo hơn vì quả là tôi không muốn "gây dư luận xấu". Đây là hành động thật "không giống ai", không được phép cho các bé khác biết chuyện "kinh dị" này kẻo có bé nào đấy tự nhiên nảy ra ý định "làm thí nghiệm" một lần xem sao thì...

Khả năng nghịch ngợm của các bé cũng rất "sáng tạo". Lớp tôi được trang bị loại giường cá nhân bằng bạt hoa, khung nhựa khá chắc chắn và đẹp. Khi ngủ trưa dậy, chúng lấy chơi trò "bệnh viện". Hai bé khênh một "người bệnh" nằm ở trên giường, miệng hô: cấp cứu, cấp cứu! Khổ nỗi "bệnh nhân" đâu có chịu nằm yên, nửa nằm nửa ngồi nhấp nha nhấp nhổm và...ngã lăn kềnh từ "băng ca" xuống đất đánh bịch. Cả bọn lăn ra cười, cả đứa ngã cũng cười. Mình mà ngã cú đấy chắc đau lắm. Phải bắt chúng ngừng ngay trò này lại kẻo có ngày xây xát chân tay mình mẩy. Chúng tôi lúc nào cũng căng thẳng để mắt trông chừng lũ quỷ con cho tới khi bố mẹ chúng đón về mới an tâm. Học, chơi, sinh hoạt ăn ngủ...giờ nào chúng cũng có thể "tự phát" ra các trò nghịch ngợm không lường trước được. Sợ lắm, vì sự an toàn của chúng cũng là sự an toàn của các cô giáo mầm non.

Giá như trường tôi rộng hơn, có sân chơi, bãi cát, có vườn cây cho các bé được chảy nhảy thoả thích. Lúc đó các bé sẽ bớt nghịch dại hơn, giáo viên chúng tôi cũng cảm thấy được an lòng.

Hoàng Vi