Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhóc và em bé


Em bé mới sinh sức khỏe yếu, phải nuôi lồng kính gần hai tuần. Hôm đầu tiên về nhà, em bé khóc từ chiều tới tận đêm. Nhóc Đăng ngủ rồi, bất chợt em bé ré lên, khiến nhóc giật mình thức giấc, rồi cũng ngồi khóc hu hu. Lát sau nhóc nói: "Con không ngủ được. Ba đem em bỏ vô giỏ rác đi!".

Phải nói "phát ngôn" ngộ nghĩnh của nhóc Đăng gây cho cả nhà ấn tượng mạnh. Đó là lần đầu thằng nhóc gần ba tuổi trông thấy đứa em chưa đầy tháng của mình. Khi chưa có em, trong mắt mọi người nhóc Đăng bé như cái kẹo, mọi "đặc quyền đặc lợi" đương nhiên dồn hết vào cho cu cậu. Rồi khi có một cái kẹo bé hơn xuất hiện, tự dưng thằng nhóc mới biết nói chưa bao lâu kia trở thành... anh hai, là "người lớn" hẳn hòi. Sự thay đổi quá nhanh mà không kèm theo những chuyện dở khóc dở cười mới lạ!

Khi em bé được ba bế, nhóc Đăng kéo tay ba phụng phịu, tức thì ba của nhóc ráng xoay xở để có thể bế mỗi tay một đứa. Nhưng đó là ba, là đàn ông khỏe mạnh. Đến khi mẹ bế em cho bú sữa, nhóc cũng quen lệ kéo tay mẹ, đòi: "Mẹ ẵm hai đứa luôn đi!". Mẹ nhóc dịu dàng bảo: "Hai đứa không được, để mẹ cho em bú xong rồi em ngủ, mẹ sẽ ẵm con". Tức thì, nhóc phản ứng bằng cách kéo tay mẹ thật mạnh, suýt làm rớt cả em. Bị mẹ la, nhóc lầm bầm, mắt ươn ướt: "Mày hả em bé...". Cả nhà buồn cười, chọc: "Đem em bé đi cho nhé?" thì nhóc hớn hở: "Cho nhanh đi!".

Khi đi quán, hoặc trong bữa cơm, nhóc có một cái ghế riêng dành cho con nít. Nhóc ngồi ghế nhưng mắt chăm chăm ngó em bé đang ngủ mơ màng trong lòng mẹ. Nhóc ăn cầm chừng, chỉ ngó là chủ yếu, rồi lại đòi ngồi với mẹ. Ba nhóc vội vàng bế nhóc ngồi vào lòng, nói: "Thôi ngồi với ba, ăn cho ngon". Bình thường nhóc rất thích ba, nhưng trong trường hợp này thì khác. Nhóc thỏ thẻ: "Ba ẵm em đi, cho con qua ngồi với mẹ". Sợ nhóc khóc ầm lên, lỡ bữa ăn, ba và mẹ phải lật đật "trao đổi sản phẩm" thật nhanh.

Mỗi lúc rảnh rỗi, mọi người trong nhà xúm xít quanh em bé, tỏ vẻ "ngó lơ" nhóc, là có chuyện liền. Nhóc không chui tọt vào sát rạt bên em thì cũng gây ra đủ thứ tiếng động, làm đổ vỡ, rồi đi chân đất - điều mà ba nhóc cấm tiệt - như thách thức... Nhưng có thể nói, sau khoảng ba tháng thì nhóc Đăng đã thay đổi, biết thương em dần dần. Có khi nghe em khóc hoài, nhóc len lén chạy lại nhìn vào nôi, lẩm bẩm: "Ngủ đi em, đừng khóc nữa!". Hoặc khi bác hàng xóm sang bế em, vờ nói: "Đăng không thích em bé, bác ẵm luôn về nhà nè!", thì nhóc khóc ầm, ráng chồm lên đập bàn tay bé xíu vào cườm tay bác hàng xóm: "Để em xuống mau, để em xuống...". Bây giờ mà đòi đem em đi cho, nhóc lắc đầu ngay: "Không!". Được như vậy là nhờ ba mẹ của nhóc đã tìm đủ mọi cách "kéo" nhóc lại gần em bé.

Cách thì cũng đơn giản: rủ nhóc đến nhìn mỗi khi em ngủ; dạy nhóc xoay tròn con gấu bông chọc em cười; nhờ nhóc kéo hộc tủ lấy giúp em cái khăn sữa; khuyến khích nhóc hôn em... Thời gian này, nhóc đã được gửi sang đi học ở lớp mầm non bên kia đường. Mỗi lần bảo nhóc: "Mốt em bé lớn, Đăng nhớ nắm tay em dẫn qua đường, cùng đi học nhé?" thì nhóc gật đầu đầy chắc chắn!

Theo Thanh Niên