Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bắt trẻ học nhiều mà quên văn hóa ứng xử


Sau khi đọc những bài báo nói về tình trạng cha mẹ bắt con đi học sớm, trẻ em vào lớp 1 cũng phải thi, tôi thấy thật là buồn cười.

Trẻ em đang ở độ tuổi ăn và chơi, chưa có ý thức được việc mình làm là đúng hay sai, nhưng để chạy theo xu thế hiện đại hay chính xác hơn là trào lưu "con mình phải giỏi nhất" nên nhiều cha mẹ đã bắt con mình học quá sức. Mục đích duy nhất của việc này là cho con bằng với con của bạn bè, làm cha mẹ nở mày nở mặt tự hào rằng: cháu biết đọc, biết viết sớm và cháu hơn người.

Nhưng có bao giờ cha mẹ tự hỏi việc mình làm là đúng hay sai, việc mình làm có đúng với mơ ước của cháu hay không? Tôi nghĩ rằng cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện với con còn hơn bắt các cháu phải học suốt ngày.

Hiện nay, trong khi văn hóa sống xuống cấp, tôi nghĩ rằng cũng một phần do các bậc phụ huynh đã quá háo danh, bắt các cháu học nhiều mà không dạy các cháu văn hóa ứng xử. Đi học về, thay vì chào ông bà, trẻ đã khoe ngay hôm nay cháu được điểm 10, còn ông bà thấy thế vui quá mà quên bảo các cháu phải chào...

Rồi lâu dần, điều này thành thói quen, các cháu chẳng thèm chào hỏi ai bao giờ chỉ dương dương khoe về bản thân. Đi học mẫu giáo thì bé nào cũng được phiếu bé ngoan mục đích cho bõ tiền bố mẹ các cháu bỏ ra. Đi học thì em nào cũng được học sinh giỏi, thử hỏi sao mà lấy đâu ra nhiều phiếu bé ngoan với học sinh giỏi thế?Trong khi thi tốt nghiệp, hễ coi chặt là trượt mà điều đáng lo ngại hiện nay lại là khá nhiều em trượt tốt nghiệp lại là học sinh giỏi.

Điều tôi muốn nói là các vị nên hiểu rằng các cháu còn nhỏ đi học vì chịu áp lực của bố mẹ, đến trường thì chịu áp lực về thành tích của thầy cô giáo, về nhà chịu áp lực với hàng xóm nếu cháu không giỏi bố mẹ ngượng, hàng xóm chê cười.

Từ đó, trẻ sinh ra trầm cảm và cách cư xử cũng bắt đầu thay đổi trở thành chủ nghĩa cá nhân, chơi với bạn xấu vì thấy ở đó được tự do, thích làm gì thì làm...

Theo VnExpress