Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cháu tôi vào lớp một


Xem ra đây là một “sự kiện trọng đại” trong sinh hoạt gia đình. Cô cháu phải vừa dỗ em vừa chuẩn bị bữa sáng để cháu kịp ăn chứ không như ở lớp mẫu giáo cháu được ăn ở trường.

Cha cháu dậy sớm hơn thường lệ để còn chuẩn bị đưa cháu đến trường. Mẹ cháu trước khi đi làm đã phải vạch ra một thời gian biểu rất cụ thể và nghiêm cẩn cho cháu khi ở trường về: lúc nào chơi đàn, lúc nào chơi với em, lúc nào tập viết, lúc nào nghe bà đọc truyện... Và bà là người có trách nhiệm giúp cháu thực hiện thời gian biểu đó, sao cho cháu của bà vừa thực thi được nhiệm vụ của cậu học sinh lớp một, vừa có thể “sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ” (*). Quả là không đơn giản!

Mà làm sao đơn giản được khi đây là mở đầu của một giai đoạn mới, giáo dục gia đình vẫn cực kỳ quan trọng nhưng dù sao cũng đã phải lùi về tuyến hai để nhường tuyến một cho nhà trường để cùng thực thi chức năng cao cả của giáo dục là hình thành nhân cách của con người, một con người có khả năng tư duy và hành động với tư cách là một chủ thể trong cộng đồng xã hội.

Càng không giản đơn khi cháu đang sống trong thế kỷ XXI, “thế kỷ của sự khai thác những tiềm năng cực lớn của bộ não”. Trong thế giới đó, mỗi cá nhân đối diện với cả thế giới và cả thế giới thách thức mỗi cá nhân. Chẳng thế mà tạp chí Time tổ chức bình chọn xem ai là nhân vật tiêu biểu nhất của năm 2006, đã chỉ ra: Nhân vật số một của năm chính là một tấm gương phản chiếu hình ảnh của mỗi cá nhân khi soi mình vào đó.

Chính vì thế, khi con người được giáo dục để sống được trọn vẹn tính chủ thể của mình, dám là mình, họ sẽ biết cách tự học tập, rèn luyện như thế nào để trở thành một con người hữu ích trong xã hội. Cho nên, tôn trọng tuổi thơ của trẻ em, biết cách làm cho chúng thấy đến trường là một niềm vui, thích thú được học, chứ không là một chuỗi dài những áp đặt nặng nề, nhồi nhét, khiến trẻ luôn lo sợ, khép nép, mất tự tin. Đây là một hướng phấn đấu không đơn giản chút nào. Nên lưu ý đến khuyến cáo của Rousseau - nhà “khai sáng” Pháp: “Ai làm điều mình muốn mà vừa sức mình thì hạnh phúc. Ai làm điều mình muốn mà vượt quá sức mình thì không hạnh phúc” (**). Dạy và học vừa sức, đó là cả một nghệ thuật, một khoa học để làm cho học sinh của chúng ta có được hạnh phúc khi đến trường.

Hiểu được trẻ em, thương yêu trẻ em, dạy học sinh với trái tim thương yêu, đấy là bí quyết đưa đến thắng lợi của sự nghiệp giáo dục. Hy vọng các cô giáo dạy lớp một sẽ dạy các cháu bằng trái tim thương yêu để các cháu nên người.

Theo Pháp Luật