Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

'Cuộc chiến' tâm lý giữa mẹ và con


Bé Dưa đã được làm chị.
Bất ngờ mẹ nhận ra rằng: Tình cảm của mẹ dành cho Dưa tưởng không bao giờ nhạt phai bỗng hình như đang thay đổi. Mẹ không còn ôm hôn con, mẹ không thấy con còn bé bỏng dễ thương nữa.

Đã hơn một tháng làm quen với sự có mặt của em Bông, điều khó chịu nhất đối với Dưa là việc cứ nhìn thấy mẹ là thấy ở bên em Bông.

Trước khi sinh em Bông, mẹ đã cố hết sức để không làm thay đổi cuộc sống tâm lý của Dưa. Và kết quả là mất khoảng 4 tháng gì đó, bỗng nhiên Dưa đanh đá lạ thường (chả hiểu có phải do mẹ có bầu không), giờ thì hết rồi.

Ai cũng bảo do mẹ bận chăm em nên đứa nhớn sẽ tỵ nạnh. Mẹ đã cố hết sức để dành thời gian cho Dưa cũng vẫn với quyết tâm không làm thay đổi tâm lý của Dưa, và một tháng qua có vẻ như là mẹ đã thất bại. Diễn biến tâm lý của Dưa thất thường quá, mẹ trở tay không kịp.

Hằng ngày mẹ vẫn dậy cùng hai bố con, giúp con mặc quần áo, buộc tóc, tiễn hai bố con đi học đi làm. Nhưng đa phần là Dưa luôn tìm cách gây sự với mẹ. Dưa cáu vô cớ, khóc vì những lý do rất vớ vẩn: Không mặc cái này, cái kia xấu, hoặc mẹ tết tóc rồi thì Dưa đòi chỉ buộc thôi không tết... Dưa yêu em rất mạnh và không để ý đến những lời ngăn cấm, khuyên nhủ phải thế này thế kia với em...

Nói tóm lại, Dưa làm mẹ phát cáu mặc dù trước đó mẹ rất hớn hở muốn chăm sóc con. Kết thúc mỗi lần tiếp cận là một cuộc cãi vã, rồi ai đi đường đấy. Mẹ luôn cố gắng kiềm chế, nhưng giờ mẹ lại không được như trước, khả năng chịu đựng kém hơn. Và để không mắng Dưa nhiều (đổ dầu vào lửa), nhiều lúc mẹ phải tránh Dưa.

Hai tuần đầu bà nội ở trên này giúp, Dưa phải ngủ với bà. Mẹ phát khóc vì thương con khi thấy con khóc đòi ngủ với bố mẹ. Mỗi ngày Dưa đi học, mẹ lại mong Dưa về. Mẹ viết một lá thư tâm sự trong nhật ký của con, mẹ thấy thương Dưa vô cùng... Tình cảm là vậy nhưng khi Dưa xuất hiện thì con luôn cố tình tỏ ra bướng bỉnh với những cái trò như trên. Khi có bà trên này, Dưa vẫn nghe lời mẹ và gây sự với bà. Giờ không có bà, con quay sang gây sự với bố mẹ, đặc biệt là mẹ, vì bố vẫn hằng ngày chăm sóc con. Hai mẹ con có hôm thấy một khoảng cách vô hình.

Mẹ buồn và luôn tìm cách "phá giải" những trò của Dưa để cuộc sống trở lại bình thường, vẫn cố gắng tạo môi trường giữa hai mẹ con khi có thể như chăm con, đọc chuyện cho con... Đến tuần vừa rồi, bất ngờ mẹ nhận ra rằng: Tình cảm của mẹ dành cho Dưa tưởng không bao giờ nhạt phai bỗng hình như đang thay đổi. Mẹ không còn ôm hôn con, mẹ không thấy con còn bé bỏng dễ thương nữa. Và rồi đến ngày hôm qua...

Hôm qua là một ngày chủ nhật đáng nhớ. Thông thường bố đưa Dưa đi chơi để con đỡ buồn. Nhưng hôm qua hai bố con ở nhà. Trong thời gian đó bỗng nhiên Dưa ngố ngoan lạ thường. Con không lên gân lên cốt nữa. Con chơi đồ chơi, nói cười vui vẻ và rủ bố mẹ chơi cùng. Con bày tiệc sinh nhật và nói mẹ đến dự, tặng quà cho con. Bố mẹ và Dưa đã chơi với nhau thật vui. Mẹ và bố làm như sinh nhật Dưa thật, chúc tụng, tặng quà loạn xạ. Mẹ lại thấy con gái bé bỏng và dễ thương quá.

Mẹ hiểu rằng mẹ thương Dưa nhiều lắm nhưng có vẻ như là mẹ bất lực trong thời gian vừa rồi. Cả nhà lại chơi trò chơi "vác gạo". Bố Long vác "bao" 60 kg trên lưng, bao 15 kg đằng trước chạy quanh nhà, khắp nhà vang tiếng cười. Mẹ cũng chợt nhận ra rằng đã lâu rồi nhà mình không ầm ĩ thế mà lúc nào cũng cố gắng trật tự cho em Bông. Lâu rồi cả nhà không chơi cùng nhau. Quả là hoàn cảnh thay đổi nhiều hơn mẹ tưởng. Rõ ràng là đã lâu rồi, con không được đi chơi với mẹ, không được mẹ đưa đón đến trường, không được... nhiều thứ lắm. Những cố gắng kia của mẹ, mẹ tưởng như thế là đủ nhưng chắc là chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của con.

Thật là khó hiểu và đau đầu. Tâm lý là một phạm trù không đơn giản, tâm lý trẻ em thì lại càng phức tạp. Từ chiều qua đến sáng nay đi học, con lại luôn ngoan, nghe lời mẹ. Hy vọng con gái sẽ dần dần trở lại trạng thái như bình thường và mẹ cũng sẽ cố gắng hơn nữa. Mẹ đã hiểu ra vấn đề và con yên tâm, mẹ sẽ không lùi bước. Vấn đề là: Mẹ phải đặt mình ở vị trí của con thì sẽ hiểu được con. Mong con ủng hộ và hỗ trợ mẹ trong thời gian này nhé, bé Dưa.

Maruko's blog
Theo VnExpress