Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bức tranh con vẽ


Tôi đang ngồi nghiên cứu cho giai đoạn cuối của luận văn tiến sĩ thì con gái tôi lên tiếng: “Cha ơi, cha có muốn xem bức tranh gia đình của con không?”. Tôi bảo con: “Cha đang bận. Chút nữa con nhé”. Mười phút sau, con bé quay lại: “Cha có muốn xem nó hay không vậy?”. Tôi trả lời: “Không!”.

Con bé thẫn thờ ra khỏi phòng, để tôi một mình. Thế nhưng, ở một mình lúc này không thoải mái như tôi nghĩ. Vậy là tôi đi ra cửa trước. Tôi gọi con gái và bảo: “Con vào đây, một phút thôi nhé!”. Con bé ngoan ngoãn ngồi vào lòng tôi. Đó là một bức tranh lớn. Ở trên cùng, con bé viết dòng chữ lớn: “Gia đình em tuyệt nhất”. Con bé sôi nổi: “Đây là mẹ. Con đứng bên cạnh mẹ. Đây là con chó của nhà mình. Còn đây là em bé!”. “Cha rất thích bức tranh của con” – tôi nói. “Cha sẽ treo nó ở phòng ăn, cha sẽ ngắm nó mỗi ngày”.

Con gái tôi vui vẻ ra ngoài chơi. Tôi quay lại với chồng sách. Nhưng, một điều gì đó làm cho tôi không cảm thấy dễ chịu. Trong bức tranh của con gái tôi thiếu một điểm gì đó. Tôi đi ra cửa trước và gọi con: “Trong bức tranh, cha của con ở đâu?”. Con gái tôi hồn nhiên: “Cha đang ở trong thư viện”...

Tôi treo bức tranh ở phòng ăn như đã hứa và nhìn bức tranh đó mỗi đêm. Cuối cùng, tôi đã hoàn thành luận án và trở thành tiến sĩ. Thế nhưng, cuộc sống của tôi không có nhiều niềm vui. Một đêm sau đó, vợ tôi chậm rãi: “Em và các con yêu anh rất nhiều nhưng anh chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Em cảm thấy như mình là một người mẹ đơn thân vậy”...

Con gái tôi vẽ tranh, còn mẹ cháu nói ra thành lời. Cuộc sống của tôi đã vượt ra khỏi sự kiểm soát, tôi muốn giành lại gia đình mình... Giờ đây, cơn mây mù đã bị xua tan và gia đình là điều quan trọng nhất đời tôi.

Theo Người Lao Động