Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xin đừng quá khắt khe.


Tôi là giáo viên một trường mẫu giáo tại Hà Nội đã hơn 20 năm. Sau mấy ngày phải nghỉ vì ốm, hôm nay tôi mới đi làm lại.

Có mấy ngày nghỉ mà nhớ lớp, nhớ lũ nhớ lũ nhóc xinh xắn và nghịch ngợm vô cùng. Các con xúm xít hỏi thăm như người lớn: “Cô bị ốm à”, “Cô ơi, cô khoẻ chưa?”, “Cô đi làm rồi hả cô?”... “Ừ, cô khoẻ rồi, cô đi làm rồi”...Cô cháu nói chuyện cứ như lâu lắm chưa gặp nhau. Chợt nhìn thấy Huy, một bé trai khá cao lớn hơn hẳn các bạn khác quấn băng trắng ở tay cánh tay, tôi vội hỏi: “Tay con làm sao thế?”. “Dạ con bị ngã”, “Đau lắm không con, con ngã ở đâu vậy?”, “Dạ hôm qua con đi chơi nhà bà ngoại, bị ngã ạ”.
Chiều muộn gặp mẹ của bé, mẹ bảo bé chạy ngã vào góc của chiếc bàn nhỏ, mẹ phải đưa vào viện khâu 3 mũi, bác sĩ nói tuần sau sẽ lành. Mặc dầu xót xa bé bị ngã đau, nhưng khi nghe câu “con ngã ở nhà” cũng không nén nổi một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Tại sao tôi lại có cảm giác như vậy? Thậm chí còn có ý nghĩ thoáng qua rằng “may” mà con ngã ở nhà, chứ con mà ngã ở lớp thì... cô sẽ “ngã” theo con mất thôi.

Trong đời giáo viên mẫu giáo, tôi đã gặp những trường hợp tai nạn của trẻ tại lớp. Phần lớn là do bé chạy rồi ngã, nhẹ thì sưng quả ổi, nặng thì trầy da, chảy máu. Phúc đức nhà tôi có lẽ còn đầy nên không bị gặp phải những tai nạn lớn hơn. Những khi đó, nếu vết thương không rách da, chúng tôi chườm bằng khăn lạnh cho khỏi bị sưng tấy. Chẳng may chảy máu, nhất định phải đưa bệnh viện để bác sĩ khám và khâu lại nếu cần thiết. Các cháu bé vốn hiếu động, chạy nhảy là nhu cầu hàng ngày của bé. Khi các bé chạy, không chú ý dễ ngã hoặc xô vào nhau mà ngã; chẳng may gặp phải cạnh bàn, góc tường hay một vật gì đó cứng rất dễ bị chảy máu. Các cháu trong lớp rất đông, quan hệ giữa các bé chưa được nhu hòa hoàn toàn. Cô chỉ cần lãng đi vài giây là đã ngăn không kịp. Các cô giáo cố gắng nhắc nhở hướng dẫn trẻ cách cư xử với bạn, phòng tránh tai nạn cho trẻ nhưng hy hữu nó vẫn xảy ra do cô sơ suất khi trông coi, do điều kiện cơ sở vật chất không an toàn, do nhiều lý do không lường trước khác.

Theo thống kê, các tai nạn của trẻ phần lớn xảy ra ở nhà; bỏng, thương tích, điện giật...do gia đình bất cẩn. Ở trường, nơi dành riêng để bé sinh hoạt và học tập, ban giám hiệu và các cô giáo luôn đề phòng mọi chuyện có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Các ổ cắm điện được lắp quá tầm tay, những gờ tường hay sàn nhà lồi lõm đều được xử lý, bàn ghế không có cạnh sắc nhọn, quan tâm đặc biệt tới các bé hiếu động... Các cô giáo giám sát trẻ chặt chẽ đảm bảo sao cho trẻ được an toàn nhất.

Nếu có trường hợp tai nạn của trẻ tại lớp, cô giáo phải là người chịu trách nhiệm trước gia đình bé và trước pháp luật. Điều đó là lẽ đương nhiên. Nhưng có những trường hợp nhẹ trấy da hay bầm tím nhẹ đôi chút thiết nghĩ các vị phụ huynh học sinh cũng không nên đổ lỗi lên đầu các cô giáo quá nặng nề. Không ít trường hợp cha mẹ dắt bé lên gặp hiệu trưởng để sau đó cô bị trừ thi đua, bị khiển trách. Chưa kể đến một số phụ huynh nhân việc này mà có những phản ứng rất ghê gớm. Lúc đó, cô chỉ biết xin lỗi, xin lỗi và xin lỗi mà thôi. Sau đó không ít cô giáo trở nên ác cảm với gia đình bé và với bé. Như vậy có nên chăng?

Bởi chịu áp lực nặng nề về việc này, không ít cô giáo đã thở phào nhẹ nhõm như tôi khi nghe cháu nói “Cháu bị ở nhà”. Khi thấy bé bị một vết bầm hay xước ở đâu đấy, các cô có lúc lại bảo nhau: “Đấy, bị ở nhà thì chẳng thấy làm sao, nếu mà bị ở lớp nhỉ, tha hồ mà làm to chuyện!…”. . Các bé đau, các cô giáo cũng xót xa lắm. Vậy mà vẫn chợt thoáng nghĩ thế là "may" cho cô vì không phải xảy ra ở lớp. Cảm giác của tôi sau cái thở phào ấy là cảm giác của một người có lỗi, như vậy mình đã ác với các bé.
Mong các bậc cha mẹ có con gửi ở trường mầm non, nên đánh giá cách cô dạy dỗ chăm sóc cháu hàng ngày, trân trọng công việc vất vả của các cô giáo, nếu chẳng may có chuyện gì đó hãy cùng cô giải quyết để rút kinh nghiệm chăm sóc cháu tốt hơn, đừng quá khắt khe với những chuyện có thể bỏ qua như thế.

Hoàng Vi mamnon.com