Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dấu đinh trên hàng rào.


Ngày xưa, có một cậu bé tính hay nóng giận. Mỗi lần cáu kỉnh, cậu bé ăn nói lỗ mãng, cục cằn với mọi người xung quanh. Cha mẹ khuyên răn hoài nhưng cậu vẫn chưa sửa chữa được.

Một ngày nọ, cha cậu đưa cho con trai một túi vải chứa đầy đinh và dặn, mỗi lần không giữ được bình tĩnh cậu cứ vác búa ra hàng rào gỗ quanh nhà và đóng lên đó một cây đinh. Vâng lời cha, hễ nổi nóng cậu bé lại phang búa đóng 1 cây đinh vào hàng rào gỗ.

Mới cuối ngày đầu tiên, trên mặt cây gỗ xuất đã xuất hiện 37 cây đinh. Ngày tháng trôi qua, túi đinh vơi dần, tính tình của cậu bé có thay đổi. Số đinh xuất hiện mỗi ngày trên hàng rào ít dần đi, cậu thấy mình giữ được bình tĩnh dễ hơn trước. Cuối cùng thì túi đinh cũng đã hết sạch. Cậu bé hoan hỉ thưa với cha rằng cậu đã học được cách tự kiềm chế. Người cha chỉ mỉm cười. Ông dặn con trai rằng từ nay trở đi, nếu một ngày trôi qua mà cậu không nổi nóng thì cậu được quyền nhổ bớt một cây đinh trên hàng rào. Chẳng bao lâu sau, cậu bé đưa lại cho cha một túi đinh đầy, nặng trĩu hệt như ông đã từng đưa cho cậu ngày nào.

Người cha dắt tay con trai ra hàng rào. Thật tội nghiệp, mặt gỗ phẳng phiu ngày xưa nay chi chít những lỗ đinh. Người cha nói với con trai: “Ta rất mừng là con đã biết giữ bình tĩnh. Nhưng con hãy nhìn mặt gỗ kia mà xem. Mỗi lần con nóng giận, ăn nói thô lỗ, là con đã gây ra cho những người xung quanh những nỗi đau hệt như nỗi đau mà mặt gỗ kia phải chịu đựng khi con đóng đinh vào nó. Cho dù con đã học được cách giữ bình tĩnh và đã rút đinh ra thì những lỗ đinh sâu hoắm kia vẫn còn đó.

Tương tự, dẫu con có hối cải, có xin lỗi bao nhiêu lần đi chăng nữa thì những người bị con xúc phạm không bao giờ còn cảm xúc tốt đẹp với con như xưa. Con phải nhớ rằng một lời nói cục cằn cũng tạo ra một vết thương lòng không kém một vết dao đâm, một lỗ đinh đóng vào da thịt.

Sưu tầm