Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sao không là cuộc chơi của trẻ thơ?


Một hội thi kể chuyện cho thiếu nhi vừa kết thúc. Nhiều câu chuyện hay, nhiều giọng kể ngọt ngào khiến không ít người dự khán thấy vui vì ít ra các em còn chịu đọc sách.

Nhưng điều ít ai biết là khá nhiều trong số những thí sinh kể chuyện diễn cảm, nhấn nhá lên xuống giọng được như thế là nhờ đã… học thuộc lòng đến từng dấu chấm, phẩy. Do đâu?

Câu trả lời hóa ra lại là chuyện của người lớn. Nói một cách nào đó, đây là cuộc thi với ý đồ và sự sắp xếp của người lớn, được thể hiện bằng sự non nớt của các em nhỏ. Thậm chí, một thí sinh của quận nọ cho biết mình được chọn đi thi cấp thành dù không đoạt giải cao nhất hội thi cấp quận là vì thí sinh đoạt giải cao nhất lớn tuổi hơn, đem đi thi sợ không "ăn điểm" với ban giám khảo.

Để cô bé nhớ câu chuyện, cô phụ trách đã đánh máy trọn bộ từ khâu chào hỏi khi bước ra sân khấu đến dẫn dắt vào truyện, rút ra bài học rồi đưa lại bắt em phải học thuộc. Cô bé thuộc thật, thuộc như cháo vì hỏi bất kỳ đoạn nào trong phần dự thi, em cũng diễn lại đúng y như khi thi trên sân khấu!

Một thành viên ban giám khảo nhiều năm theo dõi các hội thi kể chuyện thiếu nhi bảo rằng ngồi chấm thi kể chuyện mà như đang nghe các em trả bài trên lớp! Vị giám khảo này nói không mệt khi phải nghe cùng một câu chuyện được kể đi kể lại, mà buồn vì cách kể na ná nhau, cách diễn đúng như kịch bản, ý đồ của người lớn phụ trách.

Các em không có lỗi. Có chăng là các em đã không đủ lớn để dám (hay phải) can đảm từ chối những điều đang được áp đặt lên mình. Thay vì để các em tự nói lên cảm nhận thật của mình sau khi đọc câu chuyện ấy có thể không hoàn chỉnh, nhưng cái thật của trẻ thơ bao giờ cũng thuyết phục, rung động mọi người.

( Theo Tuổi Trẻ )