Giáo dục mầm non
   Bùng nổ nhóm trẻ tư thục: Cấp quản lý oằn vai "gồng gánh"
 

Hiện nay, việc quản lý các nhóm trẻ, lớp Mầm non (MN) tư thục đang là một bài toán khó đối với ngành Giáo dục TP.HCM. Các nhóm lớp, trường MN tư thục càng không ngừng mở mới thì lực lượng cán bộ quản lý tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận, huyện càng thêm quá tải trong công việc, nhiều nơi thậm chí còn "mỏng" đi. Thực tế bất cập trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc giám sát, quản lý chất lượng nuôi dạy trẻ hiện nay.


Trường - lớp tăng, cán bộ quá tải
Thực tế việc các Phòng GD&ĐT quận huyện không quản lý xuể các nhóm, lớp, trường MN tư thục đã xuất hiện từ lâu trong khi mật độ cấp phép vẫn "ào ạt" đã khiến nhiều cán bộ phụ trách bậc MN "thở không ra hơi" vì nhân sự thì ít mà số lượng nhóm, lớp thì quá đông.


Chỉ riêng năm học vừa qua, tại TP.HCM, các quận, huyện: 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Chánh, Hóc Môn... đã tăng thêm khoảng 140 nhóm trẻ tư thục. Trong đó, quận 12 tăng 34 nhóm, huyện Hóc Môn tăng gần 20 nhóm, Tân Phú tăng 22, Bình Chánh cũng xấp xỉ con số 25... Trong khi đó, số cán bộ phụ trách MN của các quận trên bình quân chỉ có từ 2-4 người/ quận khiến công việc của họ thật sự quá tải.


Nguyên nhân của sự bùng nổ các nhóm trẻ tư thục không chỉ đến từ việc thẩm định, cấp phép thiếu định hướng của ngành GD mà còn từ chính chính quyền các phường, xã có nhóm trẻ hoạt động xin phép. Việc thiếu định hướng trong quy hoạch và phối kết đồng bộ với ngành GD đã khiến trường MN tư thục, nhóm trẻ mọc lên dày đặc nhiều nơi, đến nỗi Trưởng phòng GD&ĐT phải có văn bản gửi UBND quận, huyện cùng chủ tịch các phường (đã quá tải trường) yêu cầu ngừng cấp phép mở trường.


Bà Nguyễn Thị Thanh, tổ trưởng tổ MN - Phòng GD&ĐT quận 12 cho biết: Toàn quận hiện nay có tổng cộng 134 trường MN trong và ngoài công lập, nhóm lớp, nhưng cán bộ phụ trách MN chỉ có 2 người (thiếu 2 biên chế theo quy định) khiến công việc thật sự rất nặng nề. Chỉ riêng công tác kiểm tra, thanh tra đầu năm về vệ sinh an toàn thực phẩm hay việc nuôi dạy trẻ cũng khiến chúng tôi mệt nhoài, đi không xuể. Vừa rồi Phòng GD&ĐT đã có đơn kiến nghị gửi UBND quận 12 và phường Hiệp Thành yêu cầu dừng cấp phép mở trường. Chủ tịch phường Hiệp Thành cũng nhận thấy sự chồng chéo trên nên đã quyết định dừng cấp phép.


Bà Đỗ Thị Hoa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cũng cho biết: Chỉ riêng năm học vừa qua, quận đã có thêm khoảng 20 trường, nhóm lớp mới ra đời. Dù biên chế tổ MN của phòng GD hiện có 4 người nhưng vẫn không thể kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ được, điều đó ảnh hưởng không ít đến công tác chuyên môn.


Theo thống kê từ Sở GD&ĐT TP.HCM thì sĩ số bình quân học sinh trên lớp ở khối tiểu học thường dao động ở mức 45 đến 52 em (không tính trường chuẩn). Khi sĩ số học sinh ở các trường công lập không ngừng vượt chỉ tiêu, phụ huynh buộc phải tìm nơi gửi trẻ buổi 2 ở ngoài. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều tư nhân đã mở dịch vụ trông giữ trẻ bán trú với giá cả khá cao. Tương tự, khi các trường MN công lập thường xuyên quá tải thì dịch vụ trông giữ trẻ tại gia có dịp mọc lên như nấm, đặc biệt là tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).


Theo Ban Quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh (HEPZA), đến nay lao động nhập cư tại đây chiếm tới 70% lượng công nhân. Trong đó, tỉ lệ công nhân nữ là 63,6% với khoảng 80 nghìn người có con từ 1 đến 5 tuổi. Phần lớn công nhân nhập cư - do điều kiện nhà ở khó khăn (ở trọ, ở thuê là chính), nên chọn giải pháp gửi con tại các điểm trông giữ trẻ do tư nhân tổ chức. Một nguyên do nữa là phần đông trong số họ không có hộ khẩu thường trú nên rất khó xin cho con em vào trường công, buộc phải tìm tới các cơ sở giữ trẻ bên ngoài.


Theo thống kê sơ bộ, hiện số cơ sở giữ trẻ tư nhân, nhóm trẻ gia đình, lớp tư thục... tại TP Hồ Chí Minh có khoảng gần 300 điểm, chưa kể có khoảng 1.000 nhóm trẻ, lớp dân lập. Dù góp phần không nhỏ trong việc giảm tải cho trường công nhưng sự tăng lên ồ ạt mô hình này đã gây sức ép đối với năng lực quản lý của chính quyền cơ sở. Việc xảy ra những vụ việc ngược đãi trẻ em ở các cơ sở trông trẻ tại gia, không có phép... trong thời gian qua cho thấy đang có một lỗ hổng lớn trong việc quản lý, giám sát "khu vực" này.


Tăng biên chế cho phòng GD&ĐT và tạm ngừng cấp phép mở lớp
Đó là đề xuất của hầu hết các Phòng GD&ĐT quận huyện tại TP.HCM. Ai cũng biết việc mở trường lớp (dù là của tư nhân) là nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh khi trường MN công lập đã hết chỗ. Nhưng một khi mở ra quá "cấp tập" mà không được kiểm soát cũng như không bám sát quy hoạch thì nhiều quận, huyện bị vênh trong phân bố trường, lớp - nơi thì có quá nhiều trường, nơi thì ít ỏi - và quản lý cũng không xuể vì nhân sự ngành không tăng theo tình hình thực tế.


Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng MN, Sở GD&ĐT TP.HCM bày tỏ lo lắng: Công tác quản lý, giám sát các nhóm, lớp tư thục đang gặp nhiều khó khăn. Sở đang nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp để giảm bớt sự quá tải hiện nay của cấp quản lý Phòng, nhằm đảm bảo việc quản lý, kiểm tra các nhóm, lớp tư thục được tốt hơn. Tuy nhiên, đây là điều không đơn giản vì thực tế nhân sự quản lý của chúng ta hiện quá mỏng.


Tháng 3.2013, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở yêu cầu tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó, chỉ đạo các Sở phối hợp với phường - xã kiên quyết đình chỉ các cơ sở chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, việc cấp phép cho các nhóm trẻ gia đình thuộc về chính quyền địa phương, còn ngành giáo dục chỉ hỗ trợ về chuyên môn, thấy nhóm trẻ nào đảm bảo điều kiện thì mới tư vấn xúc tiến thành lập trường. Có địa phương quản lý chưa chặt nên vẫn tồn tại nhiều nhóm trẻ gia đình không phép. Chúng tôi đang cố gắng tháo gỡ "nút thắt" bất cập trên.


Từ những gì đang tồn tại, thiết nghĩ, ngành GD cần sớm xây dựng khung pháp lý để quản lý, giám sát các điểm trông giữ trẻ tự phát. Bắt buộc các điểm trông giữ trẻ cần thực hiện thủ tục đăng ký với chính quyền cơ sở. Đề ra các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với mô hình dịch vụ này. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này theo phương thức xã hội hóa có sự hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng. Có như thế mới mong giảm tải được phần nào công tác quản lý đồng thời hạn chế được tối đa những rủi ro, thiệt thòi cho trẻ khi theo học tại các nhóm, lớp tư thục.


Theo GD&TĐ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Long đong phận giáo viên hợp đồng (9/7)
 Chuyện nước Mỹ: Đàn ông làm 'chú nuôi dạy hổ' (8/7)
 Chỉ nhận trẻ có sức khỏe bình thường vào lớp (5/7)
 Xem xét điều chỉnh một số nội dung chương trình giáo dục mầm non (4/7)
 Trường không có phòng y tế bị hạ bậc xếp loại (3/7)
 Hạ nhiệt trong ngày đầu tuyển sinh (2/7)
 Hà Nội ra Quy định mới về trường học chất lượng cao (1/7)
 Quan tâm chế độ cho giáo viên mầm non đi làm hè (28/6)
 Mùa học hè - Phòng tránh bệnh tay chân miệng (26/6)
 Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn từ trông trẻ tại gia (25/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i