Cảm xúc mầm non
   Chất lượng cuộc sống
 

Nhiều người cho rằng, cuộc sống đôi khi là một cái vòng lẩn quẩn. Thời bao cấp, lương ít, đi làm, ai cũng thủ cho mình một gô cơm. Khi ấy, cơm gô và cái bàn làm việc cơ quan là hai thứ thân thiết vào buổi trưa của rất nhiều công chức nhà xa.


Rồi cuộc sống thay đổi theo "giá, lương, tiền", mọi thứ tính hết vào lương kể cả lon cơm. Hàng loạt quán cơm bên ngoài công sở với đủ thứ bắt mắt, hấp dẫn, lại còn có cả ly bia vàng óng. Lon cơm của vợ vài miếng thịt, trái cà, cái trứng dễ làm "quê độ" với bạn bè đồng nghiệp. Nữ công chức văn phòng thì ỷ lại vào hộp cơm, buổi trưa chỉ cần gọi điện thoại có người phục vụ tại chỗ, từ giấy lau cho đến cây tăm, không mất công đi đâu xa, tha hồ ngồi máy vi tính chơi games hay chat...


Đến khi, ào một cái, tin tức lan nhanh, hộp xốp đựng cơm màu trắng đó có chứa chất nguy cơ gây ung thư! Khuất mắt khuất mũi, không nghe thì thôi, xưa nay ăn không sao, giờ lỡ nghe rồi, ăn cũng thấy ớn; vậy là, có ngay một bài báo chủ đề trở về thời cơm gô, ngủ bàn! Mà, ngay chính những người hô hào cũng không biết liệu những con - người - của - công - việc có thể duy trì gô cơm đến bao lâu bởi nào giờ quen tiện nghi rồi, việc nấu nồi cơm buổi sáng và thêm thức ăn nữa đâu phải chuyện đơn giản?


Đó là chuyện người lớn, đi làm. Trẻ đi học càng căng hơn khi mà giờ đây đầy các tin tức về ngộ độc thực phẩm ở trường học. Cha mẹ giật mình nhìn lại việc cho tiền con cái, Chúng sử dụng vào mục đích gì không ngoài hai thứ chơi games và ăn quà vặt? Tình trạng báo động đến mức các Sở Giáo dục - Đào tạo phải có công văn chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng căng-tin trường học đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh, thân thiện, khuyến khích căng-tin dùng hình thức phiếu mua hàng để hạn chế việc sử dụng tiền của học sinh.


Tiền bạc đâu phải chuyện dễ quản? Người quen cầm tiền rồi, một ngày không có tiền sao chịu nổi. Các em cũng vậy thôi. Mà chắc gì trẻ đã thích ăn quà ở căng-tin trường. Nhìn ra ngoài cổng trường xem, hết cóc xoài, ổi, me... đến mực tẩm, bò khô, gỏi, chè, nước ngọt đủ màu xanh đỏ... Thứ nào trẻ em cũng thích!


Một phụ huynh kể chuyện, chị không bao giờ cho con tiền bởi chị không muốn con tiếp xúc với tiền, hơn nữa chị sợ con ăn quà vặt đau bụng. Một hôm chị đón con hơi trễ, đến nơi chị thấy cháu và một bạn nữa đang chia nhau que đậu hủ chiên có rưới tương ớt. Cháu nói rằng, đói bụng, thấy bạn ăn thèm quá, xin bạn cho ăn. Nhìn quanh chị thấy một nhóm bạn chia nhau que đậu hủ hay chả cá, xúc xích, bò viên... Thậm chí có một bạn đi theo năn nỉ bạn kia cho mút chút cây kem bạn đang cầm trên tay; lại có hai bạn đang chia nhau ly nước ngọt có màu xanh đến sợ!


Một phụ huynh khác cho biết, một lần đến trường đón con chị thấy con đứng một góc nhìn các bạn đang xúm vòng tròn chia nhau mấy miếng xoài chấm mắm ruốc. Con chị không dám tham gia vì mẹ không cho. Lên xe, ngồi sau lưng mẹ, con thỏ thẻ rằng, bữa nào mẹ mua xoài chấm mắm ruốc về nhà ăn nhen, thấy bạn ăn con thèm lắm, chưa bao giờ con được ăn. Chị nghe mà thắt lòng, chao ôi, tủ lạnh ở nhà không thiếu thứ gì từ phô-ma, sữa, yaourt, kem... chỉ thiếu miếng xoài chấm mắm ruốc! Chị biết, do con chị không có tiền, nếu có tiền trong tay nó chẳng ngại ngần gì không mua thử xem ngon đến cỡ nào mà bạn bè tranh nhau ăn, lại hít hà đến thế!


Nhiều người cho rằng, khi công việc ngày càng cuốn con người đi, tất nhiên những ngành nghề dịch vụ phục vụ con người (ăn uống) ngày càng phát triển bởi ai cũng có nhu cầu ăn nhanh. Tuy nhiên, chính vì sự phát triển không đồng bộ, mà bao nhiêu thủ thuật làm lời được áp dụng triệt để, không nề hà mánh lới, không quan tâm đến an toàn sức khoẻ con người. Cha mẹ làm ra tiền, phải xài đồng tiền sao cho mình đỡ phải vất vả (nhất là trong vấn đề ăn uống), càng không nên keo kiệt vài đồng với con cái, có đáng là bao, cho con nó xài, mình làm cho con chứ cho ai... Và thế là, mọi thứ tham gia vào cái guồng chuyển động của xã hội. Làm ra tiền, phải xài đồng tiền, phải có dịch vụ...


Đến một ngày, nhìn lại, ôi thôi, không biết mình đã nạp bao nhiêu chất độc vào người? Cha mẹ kỹ lưỡng quá thì con cái lúc nào cũng thấy thèm những thứ rất mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Gà rán, khoai tây chiên, hamburger.... ăn hoài, thường quá, không hấp dẫn bằng mấy thứ xanh xanh đỏ đỏ, cóc xoài, ổi, me....


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Nếu có người chép miệng, đời có nhiêu đâu thì cũng có người giật mình và quyết tâm thay đổi trở về nếp xưa. Và rõ ràng ai cũng thấy một điều, nếp xưa an toàn hơn, vệ sinh hơn, nhưng sao không thấy ngon bằng hàng quán?


Cái chính ở chỗ bởi mọi thứ đã quen rồi, thay đổi nào cũng phải tập dần. Mẹ tập nấu ăn lại đi, tập nêm nếm cho ngon, chịu khó mua mấy thứ tầm thường giống bên ngoài cổng trường về chế biến; còn bố nữa, bớt đi ăn nhậu ngoài đường đi, cái bao tử cũng đã bắt đầu lên tiếng phản đối rồi đó. Và, ráng nhớ cho một điều, làm để hưởng thụ, để sống vui về già chứ không phải để nuôi bệnh. Đó mới gọi là chất lượng cuộc sống!


Theo PN

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bài văn của con (12/3)
 Điều con muốn nói (7/3)
 Cách tôi dạy con hiểu về sự công bằng (1/3)
 Nụ cười của bạn (27/2)
 Lời tha thứ muộn (22/2)
 Khi ta là mẹ (18/2)
 Lặng yên cha kể con nghe (14/2)
 Nghĩ trẻ nói thẳng: Cái giá của việc làm điều mình thích (9/2)
 Mẹ sẽ không dại "chiến tranh" với con (6/2)
 Quyết định ở nhà làm mẹ (2/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i