Giáo dục mầm non
   Chồng chất các bất cập ở bậc học giáo dục mầm non
 

Thiếu trường lớp, chương trình không đồng bộ trong khi trình độ giáo viên lại nhiều yếu kém, việc đào tạo giáo viên mầm non nhiều bất cập, chế độ cho người dạy quá thấp...


Quá tải
Theo PGS.TS Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, việc quy mô không đáp ứng nổi nhu cầu là bức xúc lớn nhất của giáo dục mầm non hiện nay. Cụ thể, năm học 2010-2011, chỉ có 21,5% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học. Ở khu vực đông dân cư ngay trong thành phố, thị xã, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở giáo dục mầm non cho các bậc cha mẹ có thu nhập trung bình, thu nhập thấp còn rất thiếu. "Thực trạng này hầu như bị thả nổi và chưa có được giải pháp tháo gỡ," bà Tuyết nói.


Nêu ví dụ cụ thể ở ngay Hà Nội, theo bà Tuyết, việc quy hoạch các khu dân cư đã không gắn với xây dựng các trường mầm non. Có nơi xây trường nhưng lại giao cho tư nhân xây dựng và thu học phí tới hàng trăm USD, ngoài khả năng chi trả của người dân, dẫn đến tình trạng trường thừa chỗ nhưng trẻ vẫn không có nơi để học, người dân phải khổ sở kiếm chỗ cho con ở trường công. Trường công vì thế trở nên quá tải.


Đây cũng là bức xúc của đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Theo Hội này, dù những năm qua, giáo dục mầm non đã được đầu tư phát triển nhiều hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bức xúc. Cơ sở trường lớp không đáp ứng được nhu cầu của trẻ, sĩ số lớp trên mức quy định. Thành phố Hà Nội đến cuối năm học 2010-2011 còn có 6 phường thiếu trường mầm non công lập (thuộc hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng). Đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ dưới 2 tuổi để cha mẹ tham gia lao động sản xuất là bức xúc lớn nhất, là nguyên nhân của tình trạng các cha mẹ buộc phải gửi con ở nhà trẻ tự phát không đảm bảo an toàn.


Bà Đặng Thị Sáu, Phó Chánh văn phòng Hội Khuyến học Hà Nội lại đưa ra một vấn đề cũng không kém phần nan giải là trẻ dưới 12 tháng tuổi gần như không có nổi một chỗ học trường công nào tại Hà Nội. Trong khi đó, nhu cầu gửi con của người dân ở lứa tuổi này rất lớn. Để đi làm, họ phải nhờ người nhà, thuê người giúp việc hoặc gửi nhà dân. "Đây là một hạn chế lớn của giáo dục mầm non. Chúng ta đã bỏ qua thời kỳ vàng của trẻ. Một số trẻ chậm nói, chậm phát triển, đó là hậu quả của việc thiếu môi trường giao tiếp, thiếu môi trường học tập cho trẻ," bà Sáu nhận định.


Báo động chất lượng giáo viên

Theo PGS.TS Lê Thị Ánh Tuyết, mặc dù đã có trên 70% số cơ sở giáo dục mầm non trên toàn quốc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới song nhiều giáo viên, kể cả giáo viên ở các khoa đào tạo sư phạm mầm non chưa hiểu thấu đáo về bản chất cái mới, cái ưu việt của chương trình, còn lúng túng khi thực hiện, cách hiểu máy móc. Nhiều giáo viên vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của phương pháp cũ, nặng về diễn giải, ít tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động, trải nghiệm. Giáo viên thiếu khả năng quan sát và đánh giá trẻ theo yêu cầu của chương trình mới.


Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho rằng, đa số giáo viên còn nhiều lúng túng trong xây dựng kế hoạch giảng dạy.


Lý giải vấn đề này, bà Tuyết cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là do việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên mầm non để thực hiện chương trình mới còn hạn chế. Ở giáo dục phổ thông, nếu đổi sách giáo khoa thì giáo viên sẽ được tập huấn theo sách. Nhưng ở bậc mầm non không có sách giáo khoa nên việc tập huấn, bồi dưỡng chưa hiệu quả.


Cũng chia sẻ về việc này, PGS.TS Lã Thị Bắc Lý, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non của Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, vài năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng được thành lập ồ ạt nên giảng viên cũng không được tinh lọc. Thậm chí có trường khoa giáo dục mầm non vừa thành lập, bản thân giáo viên không có chút kiến thức nào nhưng vẫn chiêu sinh. Chất lượng giảng viên vì thế không đảm bảo, dẫn đến hiệu quả đào tạo thấp, sinh viên ra trường kém về chuyên môn nghiệp vụ.


Trong khi chất lượng giáo viên được đào tạo bài bản vẫn còn phải xem xét lại thì các bảo mẫu không chút trình độ ở các cơ sở mầm non tư thục, tự phát còn đáng lo ngại hơn nữa. Hàng loạt những tai nạn thương tâm của các bé là nạn nhân của tình trạng này như ở Bình Dương, Đồng Nai...


Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, tại Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên khu vực ngoài công lập vẫn con thiếu, hiện phải sử dụng hơn 1.500 bảo mẫu thay thế giáo viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập.


Bên cạnh các vấn đề trên, hàng loạt những bất cập khác của giáo dục mầm non cũng được các đại biểu đưa ra như việc chế độ lương cho giáo viên quá thấp, việc ký hợp đồng khó khăn, vấn đề chênh lệch về số lượng và chất lượng đào tạo giữa các vùng miền.


Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì chính sách cho giáo dục mầm non là một chủ đề lớn. Chính sách đã có nhiều nhưng có chính sách chưa kịp thời, chưa đồng bộ, trong khi giáo dục mầm non đang khó khăn ở nhiều mặt. Vì thế, một hội thảo không nên nói quá rộng, như thế sẽ khó tìm được giải pháp hiệu quả nào. "Có thể chỉ lựa chọn, rà soát một vài chính sách về vấn đề cụ thể để thảo luận," ông Tiến nói./.


Theo Vietnam

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Xem lại chất lượng giáo viên học tại chức
Ngày gửi: 2/15/2012 2:43:57 PM

Kính gởi các cấp lãnh đạo bậc học Mầm non!
Qua quá trình quản lý tôi nhận thấy việc các trường Đại học mở lớp cử nhân mầm non tôi vô cùng phấn khởi vì các cô có thời gian vừa học vừa làm không bỏ trường, bỏ lớp. Nhưng nếu các trường Đại học chỉ tuyển sinh giáo viên đã đi làm rồi để đi học thì khong nói gì, đằng này tôi thấy có nhiều sinh viên chưa đi làm ngày nào cũng được vào học với tất cả các bạn đã đi làm như vậy trên lý thuyết thì ngang bằng nhau còn trên thực hành thì sao chênh lệch quá nhiều mà các sinh viên ấy đi thực tập chỉ có 1 tháng rồi làm sao vào dạy các cháu được. Nên khi nhận các cô đến nhận nhiệm sở tại trường chúng tôi rất mệt mõi vì các cô cứ như người trên mây vậy, lên một kế hoạch cũng không biết, dạy một tiết dạy (dù bồi dưỡng các cô đến nay là 4 tháng ) nhưng các cô như người hành tinh vậy, theo tôi các cô ấy học xong đại học một số ít (đếm trên đầu ngón tay) thì đứng lớp được, còn lại theo tôi thấy chỉ làm được việc chăm sóc trẻ thôi (đã vậy còn gớm khi trẻ ị hay ói)
tôi đề nghị nên tách riêng số các cô thí sinh tự do (chưa qua thực tế trong trường MN) thì nmo73 riêng một lớp và tăng cường chất lượng giảng dạy cho các cô . để học chung với giáo viên thì thiệt thòi cho các giáo viên đeo theo họ 4 năm trời chỉ tổ là để đóng học phí mà thôi.
còn các cô ấy học gì trong khi một tuần chỉ học có 2 ngày thích thì học, không thì nghỉ (vì có chế độ nghỉ theo phân môn) còn thêm chuyện học nhóm chỉ có việc giỏi là ghi tên mình với vào bài tập (vì học nhóm có giáo viên)



guest
Phút tâm tình về ngành mầm non!
Ngày gửi: 3/28/2012 1:50:20 AM


Tôi nhận thấy rằng khi nói đến đổi mới chương trình Giáo dục mầm non thì ai cũng nói được nhưng khi thực hiện thì từ cấp trên đến cấp dưới còn rất là nhiều bất cập chồng chéo, giữa cái mới, cái cũ. Chất lượng giáo viên thấp là do đâu? Nhiều giáo viên rất có nhiệt huyết với ngành nhưng chế độ không có, lương quá thấp, nếu sống được thì phải nhờ vào ba mẹ.
Về chất lượng cũa các lớp đại học từ xa, tại chức ở các tỉnh thì cần chỉnh đốn lại là đúng, giảng viên vẫn còn dạy theo chương trình cũ, hình thức cũ, còn nhiều " sạn", học phí học thì cũng có thể được, nhưng dủ thứ tiền đổ trên đầu học viên: nước uống, ca fe, dẫn giảng viên đi chơi, đi mua sắm... Đây cũng là một bài học để giáo viên mầm non thực hành chăng.
Bản thân tôi không tham gia các chương trình từ xa nhưng tôi rất bức xúc với những giảng viên thiếu đạo đức như vậy. BỘ và Vụ mầm non cần rà soát lại nếu không thì đừng mong mầm non phát triển, có chăng chỉ là trên lý thuyết, báo cáo mà thôi.
Còn về lương bổng của giáo viên thì tạm ngưng ở đây vậy, vì có nói cũng chẳng có cơ quan nào mạnh dạn đứng ra giải quyết cho ngành mầm non cả.



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 70% trường mầm non có đồ chơi ngoài trời vào 2015 (19/1)
 Giảm giờ làm với giáo viên bậc mầm non Khó áp dụng! (18/1)
 Trường mầm non những ngày cận tết: dạy trẻ hay giữ trẻ? (17/1)
 Xoay xở cho Tết giáo viên bớt “lạnh” (16/1)
 Thưởng Tết tăng… nhờ đồng nghiệp nghỉ việc! (13/1)
 Lao đao tìm chỗ gởi con ngày giáp tết (12/1)
 Hiệu quả của việc rèn kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non thông qua hoạt động tham quan – lao động. (11/1)
 Năm mới, chọn trường học cho bé ở đâu? (10/1)
 Bổ sung chức danh bảo mẫu ở trường mầm non (10/1)
 Tìm nơi giữ trẻ cận tết (9/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i