Giáo dục mầm non
   Giáo viên mầm non trong hệ thống giáo dục: Con đẻ hay con nuôi? Đau đáu gõ cửa "biên chế"
 

Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015", trong đó coi giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân.


Để tạo chuyển biến cơ bản, vững chắc, toàn diện và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ..., một trong những mục tiêu quan trọng là đảm bảo chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non (GVMN).


Điểm trường mượn nhà văn hoá xóm để làm nơi dạy dỗ các bé (chụp tại điểm trường mầm non Đồng Mó, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Vinh Hải


Tuy nhiên đã 5 năm thực hiện đề án, chế độ đãi ngộ đối với GVMN còn nhiều hạn chế, nhiều GVMN qua hàng chục năm gắn bó với nghề vẫn bấp bênh 2 chữ "hợp đồng" và nhận đồng lương còm cõi. Mấu chốt là bởi cơ chế hiện nay chưa "cho phép" toàn bộ GVMN có chỗ đứng trong biên chế của hệ thống giáo dục. Ghi nhận của Lao Động tại một số địa phương - nơi GVMN vật lộn với cuộc sống để... bám nghề.


Sau nghị quyết của HĐND tỉnh Thái Nguyên vào năm 2010, hiện đã có 195 trường mầm non bán công trên địa bàn tỉnh chuyển sang mô hình công lập, tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho gần 3.000 giáo viên (GV). Tuy nhiên, thực tế tại huyện miền núi Võ Nhai cho thấy: Dù là trường công, cánh cửa vào biên chế nhà nước vẫn chưa rộng mở đối với nhiều GV đã có cống hiến lâu năm trong nghề.


Cửa hẹp vào biên chế
Cô giáo La Thị Bông vào nghề từ năm 1996, là một trong những người có công dựng lớp, nuôi dạy các em nhỏ ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai từ khi nơi đây chưa có quyết định thành lập trường mầm non. Bà Hoàng Thị Cư - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Thượng - nhận xét: "Chị Bông là một trong GV công tác lâu năm nhất ở đây, là người có năng lực, hai lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thường xuyên đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường". Xã Phú Thượng còn có điểm trường Cao Biền, phải đi bộ đường núi hơn hai giờ đồng hồ mới đến nơi. GV lên đến điểm trường làm việc phải đến cuối tuần mới về nhà. Công tác và cống hiến trong một môi trường vất vả như vậy suốt 15 năm, chị Bông vẫn chỉ là lao động theo dạng hợp đồng, với mức lương thực lĩnh khoảng 750 nghìn đồng/tháng.


Cô và trò điểm trường mầm non Đồng Mó, xã Phú Thượng phải học nhờ NVH xóm.


Chị Bông chỉ là một trong hàng trăm GVMN ở Võ Nhai có thâm niên công tác, nhưng đến nay vẫn chưa thể vào được biên chế chính thức dù được nhận xét là giáo viên yêu nghề, có năng lực. Ông Hoàng Văn Chấn - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Võ Nhai - lý giải: "Thâm niên công tác, danh hiệu GV dạy giỏi chưa được tính điểm cộng cho những người đã cống hiến lâu năm, dù là đối với các cô giáo có công dựng lớp, bám điểm trường, vận động đồng bào dân tộc ít người đưa con đến lớp ở vùng sâu, vùng xa. Khi đưa ra xét chỉ tiêu biên chế theo QĐ 14/2008/QĐ-UBND, các giáo sinh mới ra trường lại có lợi thế về bảng điểm tốt nghiệp".


Hiện huyện Võ Nhai đang có 417 GVMN, trong đó 296 người đã ở trong biên chế. Năm 2011, huyện được giao 403 chỉ tiêu biên chế giáo dục mầm non, nghĩa là đến nay vẫn còn thiếu 107 chỉ tiêu, nhưng vẫn có khoảng 100 GV đã công tác lâu năm ở địa bàn chưa thể vào được biên chế. Mức thu nhập của một GV mới được nhận vào biên chế khoảng 2,3 - 2,4 triệu đồng/tháng, nghĩa là cao gấp 3 lần thu nhập của GV hợp đồng.


Theo ông Chấn, đây là sự thiệt thòi rất lớn đối với các GV đã cống hiến nhiều năm trong ngành nhưng chưa được vào biên chế. Bởi cùng làm công việc như nhau, nhiều cô giáo phải đi dạy ở các xã vùng sâu, vùng xa hàng chục năm trời, nhưng được nhận thu nhập có lẽ chỉ đủ để ăn sáng và đổ xăng hằng tháng. Ông Chấn cho biết, gần đây đã có hai cô giáo nhà ở TP.Thái Nguyên công tác hơn 10 năm xin nghỉ dạy vì nhận thấy không có cửa để vào được biên chế.


Để giảm bớt khó khăn cho GVMN ngoài biên chế nhà nước, năm 2007 tỉnh Thái Nguyên đã có cơ chế hỗ trợ các GV hợp đồng ngoài biên chế ở khu vực các xã miền núi được hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng; ở các xã nông thôn, các thị trấn là 400 nghìn đồng/người/tháng; các phường thuộc TP, thị xã là 300 nghìn đồng/người/tháng. Sau 3 năm qua, 23,8 tỉ đồng đã được chi từ ngân sách để hỗ trợ GV hợp đồng ngoài biên chế. Tuy nhiên, chỉ có GV hợp đồng với tỉnh hoặc huyện được nhận khoản hỗ trợ này, còn GV hợp đồng trực tiếp với trường thì không được.


Nên có cơ chế linh hoạt
Theo Sở GDĐT Thái Nguyên, tính đến tháng 9.2011 đã có 195 trường mầm non bán công chuyển sang công lập, gần 3 nghìn giáo viên bán công được xét tuyển vào biên chế. Đây là nỗ lực lớn của Thái Nguyên trong việc đảm bảo đời sống cho các GV mầm non. Nhưng thực tế tại huyện Võ Nhai, dù chuyển đổi 19/20 trường mầm non sang công lập, không phải GV nào cống hiến lâu năm cũng đủ điều kiện được xét tuyển vào biên chế. Vì vậy, nên có cơ chế tuyển dụng linh hoạt phù hợp với thực tế địa phương để đảm bảo quyền lợi cho những GV tâm huyết với nghề, có cống hiến lâu năm cho sự nghiệp giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa.


Ông Hoàng Văn Chấn - Trưởng phòng GDĐT huyện Võ Nhai - đề nghị khi xét tuyển nên cộng điểm ưu tiên theo thâm niên công tác cho các GV hoặc tổ chức hội đồng thi tuyển công khai.


Theo Lao động

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 “Gian nan giữ chân giáo viên mầm non”:Mong được phụ huynh chia sẻ (6/10)
 Gian nan giữ chân giáo viên mầm non (5/10)
 Bộ Giáo dục vào cuộc “hạ nhiệt” bệnh tay chân miệng (3/10)
 Kiên Giang: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra GD Mầm non và GD Dân tộc (30/9)
 Hà Nội khắc phục tình trạng thiếu trường mầm non (29/9)
 “Bấm bụng” gửi con (28/9)
 Giáo dục mầm non đang bị “bỏ rơi”? (27/9)
 Nghệ An đã có nhiều chủ trương ưu tiên cho ngành học mầm non phát triển (26/9)
 Nghề giữ trẻ - vừa rẻ vừa cực (23/9)
 Chăm lo đời sống giáo viên mầm non (22/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i