Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sâm không phải là thuốc vạn năng


Nhiều người vẫn coi sâm là vị thuốc bổ vạn năng có thể dùng cho mọi trường hợp đau ốm. Thực ra, cũng như mọi vị thuốc khác, việc sử dụng sâm không đúng có thể gây hại.

Sâm có rất nhiều loại, căn cứ vào nguồn khai thác có dã sơn sâm (mọc tự nhiên, còn gọi là sâm rừng) và viên sâm (được gieo trồng, còn gọi là sâm vườn). Căn cứ vào cách thức chế biến thì có sinh sái sâm (loại để nguyên vỏ, rửa sạch đất cát rồi phơi khô), đại lực sâm (khi chế biến có nhúng vào nước sôi vài phút rồi lấy ra phơi khô), hồng sâm (loại bỏ rễ, râu sấy khô mà thành, còn gọi là thạch trụ sâm), bạch sâm (loại ngâm tẩm trong nước đường đặc, còn gọi là đường sâm) và cáp bì sâm (trước tiên ngâm trong nước sôi, sau đó ngâm trong nước đường loãng)…

Nghiên cứu dược lý chứng minh, nhân sâm và Tây dương sâm có hơn 15 yếu tố vi lượng, nhưng hàm lượng trong Tây dương sâm cao hơn. Đều là thuốc bổ khí nhưng Tây dương sâm có tính hàn còn nhân sâm lại hơi ôn nên tính năng cũng khác nhau và có phần trái ngược. Khi dùng, cần chú ý phân biệt chứng trạng bệnh thuộc hàn nhiệt, hư thực để chọn lựa cho phù hợp.

Hai loại sâm trên đều có những tác dụng sau:

Tăng khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng.

An thần, định trí: Sâm bổ khí, ích huyết nên có tác dụng tốt trong điều trị chứng mất ngủ, hay ngủ mê, hồi hộp trống ngực, hoảng hốt do khí huyết suy.

Kiện não, ích trí: Sâm dùng cùng các vị dưỡng huyết, an thần như long nhãn, toan táo nhân, đương quy sẽ có tác dụng tăng cường trí lực, điều trị tốt trong những trường hợp làm việc suy nghĩ căng thẳng, suy giảm trí nhớ, mất ngủ.

Bổ tỳ ích phế: Mỗi ngày dùng một vài lát sâm pha trà sẽ giúp hồi phục thể lực, tinh lực, giúp ăn ngủ tốt hơn, cải thiện tình trạng cơ thể hư nhược.

Phòng chống lão hóa: Sâm có tác dụng rất lớn đến sự chuyển hóa đường, mỡ và điều tiết chức năng các cơ quan trong cơ thể làm chậm quá trình lão hóa.

Nhân sâm

Tính hơi ôn, có công dụng đại bổ nguyên khí, trợ hỏa, hồi dương, kiện tỳ, bổ phế khí, an thần ích trí.

Có thể dùng đối với các trường hợp cấp cứu như choáng, ngất do mất máu nhiều, tiêu chảy mất nước nhiều, nôn nhiều gây mất nước… Dùng sâm nước cho uống, liều dùng có thể tới 30 g. Nếu chân tay lạnh, dương khí suy yếu, mạch ngoại vi rất yếu thì phối hợp với phụ tử chế.

Hằng ngày dùng một lượng nhỏ nhân sâm phối hợp với lộc nhung, tử hà xa sẽ có tác dụng nhất định đối với những trường hợp liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm.

Một lượng nhỏ nhân sâm cùng với tam thất uống hằng ngày có tác dụng tăng cường lưu lượng máu tới tim, giảm cơn đau thắt ngực tái phát ở những bệnh nhân có tiền sử đau thắt ngực do bệnh mạch vành.

Không dùng nhân sâm với những trường hợp can dương vượng, âm hư hỏa vượng, bệnh thể nhiệt, miệng khô, đại tiện táo…

Tây dương sâm

Tính hơi hàn, giúp bổ khí giáng hóa, sinh tân dịch, chỉ khát, bổ phế âm.

Nếu ho lâu ngày, ít đờm hoặc trong đờm lẫn máu do phế thận âm hư hỏa vượng, dùng Tây dương sâm cùng các vị dưỡng âm, nhuận phế, thanh nhiệt, hóa đờm như mạch đông, thiên đông, bối mẫu, tri mẫu..

Nếu mệt mỏi, tâm phiền, khát… do khí âm lưỡng suy, dùng Tây dương sâm với các vị ích khí sinh tân như thiên hoa phấn, sơn dược, hoàng kỳ…

Miệng khát, uống nước nhiều không giảm, đại tiện táo, nước tiểu vàng… do tân dịch hao tổn hay các chứng nhiệt ở bệnh nhân ung thư sau hóa trị, dùng Tây dương sâm uống hằng ngày hoặc phối hợp thêm các thuốc dưỡng âm, thanh nhiệt, sinh tân như mạch đông, tri mẫu, thạch hộc…

Tây dương sâm có tác dụng dưỡng tâm, an thần, hạ áp trong phối hợp điều trị chứng tăng huyết áp, các bệnh tim mạch.

Không dùng Tây dương sâm với những người dương khí suy, vị hàn, thấp như: Sắc mặt trắng, mặt, chân, tay phù thũng, sợ lạnh, nhịp tim chậm, yếu; không muốn ăn, buồn nôn, nôn, bụng chướng, rêu lưỡi trắng, bẩn; nam giới liệt dương, di tinh, nữ giới thống kinh, khí hư nhiều; đặc biệt trẻ con chậm phát triển, chức năng tiêu hóa không tốt.

Mặc dù thực tế lâm sàng cũng như các nghiên cứu dược lý đều đã chứng minh sâm có nhiều tác dụng tốt, nhưng sâm không phải là thuốc bổ vạn năng nên không thể sử dụng một cách tùy tiện, không phải bất kỳ ai cũng phù hợp.

Không nên cùng dùng sâm với củ cải, cà phê, chè và những chất gây kích thích thần kinh khác vì làm giảm tác dụng của sâm, đặc biệt với những người bị cảm chưa khỏi có thể làm bệnh nặng lên. Không nên dùng thời gian quá dài hay liều quá cao vì có thể gây ra những tác dụng phụ như dị ứng, phát ban, đau đầu, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy…

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)