Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh viêm màng não mủ: Tỉ lệ tử vong và di chứng cao


Viêm màng não (VMN) mủ là hiện tượng viêm của màng não biểu hiện bằng việc tăng bất thường số lượng bạch cầu trong dịch não tuỷ. Các dấu hiệu của VMN thường khởi phát cấp tính, khó chẩn đoán hay để lại di chứng và tỉ lệ tử vong cao, nhất là trẻ em.

VMN mủ có thể do nhiều loại vi khuẩn gây nên, trong đó phổ biến là VMN do phế cầu khuẩn (Streptoccus pneumoniae), VMN do trực khuẩn Hib (Haemophilus influenza týp b) và VMN do não mô cầu (Neisseria meningitidis). Cả 3 loại này chiếm  tỉ lệ 80% các trường hợp bệnh.

- VMN do não mô cầu được lây truyền qua đường hô hấp do hít giọt nước bọt của người bệnh hoặc người lành mang khuẩn. Vi khuẩn thường đột nhập qua đường mũi họng, xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn máu hoặc qua đường máu đến màng não gây VMN mủ hoặc gây VMN mủ kèm theo nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh lây truyền mạnh trong thời kỳ khởi phát. Nếu được điều trị bằng kháng sinh, vi khuẩn sẽ biến mất khỏi đường mũi họng trong vòng 24 giờ. Đây là bệnh gây dịch nguy hiểm. Tỉ lệ người lành mang khuẩn rất cao khoảng 25%, trong vụ dịch có thể tới hơn 50% số người nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện triệu chứng. Tỉ lệ tử vong của bệnh khoảng 5-15%.

Để phòng bệnh cần kết hợp nhiều biện pháp dự phòng như: Phát hiện sớm, cách ly, uống kháng sinh dự phòng. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc đi đến vùng dịch nên tiêm phòng vaccine. Thời gian bảo vệ của vaccine là 3 năm. Lịch tiêm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, tiêm 3 liều mỗi liều cách nhau 1-2 tháng, 1 năm sau nhắc lại mũi thứ 4. Với trẻ 6-12 tháng tuổi, tiêm 2 liều cách nhau 1 tháng, nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Với trẻ 1-5 tuổi thì tiêm 1 liều duy nhất.

- VMN do trực khuẩn Hib rất thường gặp ở VN. Vi khuẩn Hib thường gây bệnh cho trẻ em dưới 18 tháng tuổi, Bệnh cảnh lâm sàng phổ biến là VMN mủ. Tỉ lệ tử vong của bệnh chiếm khoảng 5% và khoảng 15% trẻ mắc bệnh có thể qua khỏi nhưng để lại di chứng điếc, rối loạn tâm thần. Vi khuẩn Hib có thể gây ra viêm nắp thanh quản, viêm tế bào, viêm khớp và viêm phổi. Các vaccine phòng bệnh thường dùng là Act-HIB và Hiberix được tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi.

- VMN do phế cầu khuẩn là vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm tai giữa, viêm phổi. Khi vi khuẩn này đột nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết hoặc gây VMN mủ. Tại các nước đang phát triển, tỉ lệ mắc bệnh rất cao khoảng 200 người/100.000 dân.

Tỉ lệ tử vong do VMN do phế cầu khuẩn rất cao, nhất là những người bị suy giảm miễn dịch, suy thận, ghép nội tạng, mắc bệnh tim phổi mạn tính, đái tháo đường, nghiện rượu... Có thể phòng bệnh bằng một liều vaccine duy nhất và tiêm nhắc lại sau 5 năm.

Lao Động