Giáo dục trẻ
   Cách trở thành người đáng tin cậy của con
 

Nhiều kẻ bắt cóc thành công trong việc tiếp cận trẻ nhờ việc yêu cầu các bé giữ bí mật về hành vi xấu xa của chúng.

Trẻ cần phân biệt các loại bí mật.

Hầu hết, người lớn yêu cầu trẻ em giữ bí mật đều có ý định tốt. Tuy nhiên, thật không may, nhiều kẻ bắt cóc thành công trong việc tiếp cận trẻ nhờ việc yêu cầu các bé giữ bí mật về hành vi xấu xa của chúng. Đó là lý do tại sao việc dạy trẻ em về những bí mật là vô cùng cần thiết.

Dạy trẻ về các loại bí mật

Theo các chuyên gia, cha mẹ cần dạy con về những loại bí mật khác nhau mà bé có thể gặp phải. Trước hết, đó là những bí mật thú vị. Kiểu bí mật này có thể liên quan đến một bữa tiệc bất ngờ hoặc món quà cho ai đó.

Người ta có thể nói với một đứa trẻ rằng: "Đừng nói với mẹ chúng ta đã mua gì cho mẹ vào dịp Giáng sinh", hoặc "Đừng nói với ông nội rằng, chúng ta đang lên kế hoạch tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho ông".

Song, bên cạnh đó, cũng có những bí mật có khả năng gây hại. Đôi khi, trẻ em được yêu cầu giữ bí mật với mục đích tốt nhất. Tuy nhiên, những bí mật đó vẫn có thể gây hại.

Ai đó có thể nói với trẻ: "Đừng kể với bố mẹ là con thức quá giờ đi ngủ". Hoặc: "Con ăn cái bánh quy này đi, nhưng đừng nói với mẹ là cô đã cho con đấy!". Những bí mật đó gửi đi thông điệp rằng, trẻ có thể gặp rắc rối nếu nói ra sự thật.

Một kiểu bí mật khác đó là bí mật nguy hiểm. Những kẻ bắt cóc thường phụ thuộc vào trẻ em để giữ bí mật. Những kẻ xấu này thường nói các câu như: "Đây là bí mật của chúng ta và con không được nói với bất kỳ ai".

Kẻ xấu có thể đe dọa trẻ em bằng nhiều cách để cố gắng khiến các bé im lặng. Những đứa trẻ chưa được giáo dục về bí mật thường không dám nói với ai.

Do đó, cha mẹ cần nói rõ với trẻ rằng, không nên giữ bí mật trong gia đình. Phụ huynh hãy giáo dục con về các loại bí mật khác nhau và lý do tại sao nói chuyện với người lớn đáng tin cậy lại quan trọng. Đồng thời, hãy cùng trẻ trao đổi thường xuyên về bí mật an toàn và không an toàn.

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, phụ huynh cần nói chuyện với con về những bí mật không an toàn. Hãy giải thích rằng, đôi khi người ta yêu cầu trẻ giữ bí mật vì họ đang thực hiện điều gì đó xấu. Phụ huynh nên biến nó thành một cuộc thảo luận thường xuyên với con, khi khả năng hiểu chủ đề của trẻ tăng lên.

Điều cần thiết khác là dạy trẻ về những đụng chạm an toàn và không an toàn. Dạy trẻ thế nào là "an toàn" so với "chạm không an toàn". Phụ huynh cần đảm bảo rằng, trẻ hiểu, không ai ngoài cha mẹ hoặc bác sĩ được phép chạm vào bất kỳ bộ phận nào nhạy cảm của con.

Bên cạnh đó, hãy sử dụng từ "bất ngờ" thay vì "bí mật". Nói về những bất ngờ lành mạnh, chẳng hạn như một chuyến đi bất ngờ đến bãi biển hoặc một món quà bất ngờ. Giải thích những điều bất ngờ sẽ thú vị như thế nào và mọi người sẽ sớm biết về điều đó. Ngược lại, một bí mật có thể là "mãi mãi".

Phụ huynh và trẻ hãy cùng thảo luận về tầm quan trọng của việc nói chuyện với những người lớn đáng tin cậy. Hãy chắc chắn rằng, trẻ biết mình luôn có thể nói với cha mẹ nếu được ai đó yêu cầu giữ bí mật.

Cha mẹ hãy trấn an trẻ rằng, việc nói ra bí mật của ai đó sẽ không dẫn đến hình phạt. Bởi, những kẻ bắt cóc thường nói với trẻ em rằng, các bé sẽ gặp rắc rối lớn nếu nói cho bất kỳ ai biết về chuyện đang xảy ra. Hãy chắc chắn rằng, trẻ hiểu mình sẽ không bị trừng phạt vì nói sự thật hoặc tiết lộ bí mật.

Trẻ em nên học cách tôn trọng ranh giới cá nhân của người khác từ khi còn nhỏ.

Sự khác biệt giữa bí mật và quyền riêng tư

iều quan trọng là trẻ phải biết rằng, có sự khác biệt giữa bí mật và quyền riêng tư. Chỉ vì không giữ bí mật không có nghĩa là nên nói với cả thế giới về những vấn đề riêng tư.

Cha mẹ hãy nói chuyện với con về cách mọi người nên có sự riêng tư khi sử dụng phòng tắm hoặc mặc quần áo. Tạo các quy tắc gia đình thể hiện sự tôn trọng quyền riêng tư, như "gõ cửa khi đã đóng và chờ được phép vào".


Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ hãy tổ chức các cuộc thảo luận liên tục về quyền riêng tư. Mặc dù không khuyến khích "bí mật gia đình", nhưng phụ huynh cũng không muốn con mình thông báo với cả thế giới rằng, cha mẹ đang gặp vấn đề về tài chính hoặc anh chị em của mình thi trượt môn Toán.

Cha mẹ cũng hãy tổ chức các cuộc thảo luận liên tục về quyền riêng tư của mỗi thành viên trong gia đình. Đồng thời, giúp trẻ hiểu rằng, việc chia sẻ những câu chuyện có khả năng gây xấu hổ không phải là điều nên làm. Tìm kiếm những khoảnh khắc có thể dạy được và tổ chức các cuộc trò chuyện liên tục về tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền riêng tư và không giữ bí mật.

Theo nhà tâm lý học người Mỹ Catherine Hallissey, bí mật có thể an toàn hoặc không. Do đó, điều quan trọng là trẻ hiểu được sự khác biệt đó.

"Nói chuyện với trẻ em về những bí mật thực sự quan trọng. Bắt đầu bằng cách dạy chúng rằng, có nhiều loại bí mật khác nhau. Giữ những bí mật tốt khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và hào hứng. Trong khi đó, những bí mật tồi tệ khiến bạn cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Bởi, khi đó, bạn cảm thấy rằng mình không thể nói với bất kỳ ai", bà Catherine nói.

Theo chuyên gia này, điều quan trọng là trẻ có một người lớn đáng tin cậy để tìm đến và kể về mọi bí mật. Trẻ em cần phải hiểu từ khi còn nhỏ rằng, việc chia sẻ với một người lớn đáng tin cậy không có nghĩa là các bé sẽ gặp rắc rối.

"Cha mẹ hãy dạy trẻ rằng, theo nguyên tắc chung, những người lớn an toàn không yêu cầu bọn trẻ giữ bí mật. Nếu có ai từng nói rằng, trẻ không bao giờ được tiết lộ, nếu không sẽ gặp rắc rối, thì điều đó thật tồi tệ", bà Catherine gợi ý.

Trẻ cần biết rằng, có sự khác biệt giữa bí mật và quyền riêng tư.

Người lớn thường kể cho trẻ những bí mật mà không gây hại tới người khác. Ví dụ, ông bà không muốn tiết lộ số lượng socola mà họ thực sự đã cho cháu của mình, hoặc thời gian bọn trẻ thực tế đã ngủ.

Song, theo chuyên gia Catherine, điều này là không nên và có thể gây hại. "Ngay cả những bí mật tưởng chừng như vô hại như: "Đừng nói với bố là chúng con có cây kem này nhé" cũng có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu và dẫn đến cảm giác mất lòng trung thành. Việc giữ bí mật cũng không được khuyến khích khi cha hoặc mẹ yêu cầu con giữ bí mật với người còn lại trong gia đình", nữ chuyên gia nhấn mạnh.

Trong trường hợp muốn giữ bí mật về một điều gì đó tốt đẹp, chẳng hạn như mua một món quà cho bố/mẹ và giữ điều bất ngờ đó tới ngày sinh nhật của họ, bà Catherine chia sẻ: "Đây là những bí mật thú vị. Những bí mật đó sẽ được tiết lộ. Tôi khuyên các cha mẹ nên tránh yêu cầu con mình giữ bí mật mà thay vào đó, hãy gọi đấy là một điều bất ngờ". Điều này củng cố ý tưởng rằng, những người lớn an toàn không yêu cầu trẻ em giữ bí mật. Bởi, những điều bất ngờ sẽ được tiết lộ vào một thời điểm xác định trong tương lai.

Bà Catherine nhấn mạnh, trẻ em cần học cách tôn trọng ranh giới cá nhân của người khác từ khi còn nhỏ. Chẳng hạn, trẻ cần biết rằng, không được phép nói với bạn bè về một điều gì đó đáng xấu hổ của anh chị em mình. Mặc dù trẻ có thể cảm thấy điều đáng xấu hổ đó khá buồn cười, nhưng tuyệt đối bé không nên chia sẻ.

Hiểu các vấn đề về quyền riêng tư là vô cùng quan trọng để thiết lập những kỹ năng quan hệ lành mạnh sẽ giúp trẻ đi suốt cuộc đời. Đồng thời, tạo tiền đề xây dựng cho trẻ lòng tốt, sự đồng cảm và quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Ví dụ, trẻ mới biết đi không thể giữ bí mật. Trên thực tế, câu nói "từ miệng trẻ con" không bao giờ đúng hơn khi nói đến những đứa trẻ mới biết đi và bí mật. Việc trẻ vô tình nói ra những điều gây xấu hổ cho phụ huynh có thể khiến cha mẹ cảm thấy bực bội.

Tuy nhiên, theo nữ chuyên gia này, cách tốt nhất để tránh trường hợp đó xảy ra là đừng nói bất cứ điều gì riêng tư trước mặt trẻ mới biết đi. Tuy nhiên, đây là cơ hội tốt để nói về tác động của lời nói chúng ta đối với người khác.

Một trong những cách tốt nhất để trẻ không giữ bí mật là làm gương. Vì vậy, ngoài việc không yêu cầu con giữ bí mật, cha mẹ cũng cần thực hiện điều tương tự. Đồng thời, hãy biến điều đó thành quy tắc trong nhà: "Chúng ta không giữ bí mật". Thay vào đó, hãy có quy định giao tiếp cởi mở giữa các thành viên trong gia đình.

Phụ huynh cũng cần cẩn thận với cách phản ứng khi trẻ làm sai điều gì đó. Bởi, cha mẹ không nên để trẻ cảm thấy rằng, phụ huynh sẽ phát điên lên nếu con có bí mật muốn nói.

Ngoài ra, hãy lưu ý đừng gạt bỏ những lo lắng của trẻ khi con còn nhỏ. Nếu cha mẹ không lắng nghe những điều nhỏ nhặt khi trẻ còn nhỏ, thì con sẽ không chia sẻ về những điều lớn hơn. Khi đó, trẻ sẽ không coi cha mẹ là một trong những người lớn đáng tin cậy.

Theo Afamily.vn

Theo Very well family, Metro

Theo Giáo dục thời đại

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bố mẹ nên làm gì để con có thể chia sẻ mọi bí mật của mình? (5/9)
 Xử trí với chứng lo âu, căng thẳng tâm lý khi trẻ bắt đầu đi học (27/8)
 5 cách kỷ luật trẻ an toàn và hiệu quả (24/8)
 5 điều cha mẹ nên làm khi trẻ không vâng lời (24/8)
 Cha mẹ không hạnh phúc, con cái sẽ chịu những hậu quả gì? (14/8)
 Thời điểm 'vàng' nói chuyện thầm kín với con (14/8)
 Tính cách cha mẹ ảnh hưởng cuộc sống của con thế nào? (7/8)
 Cha mẹ có tính cách này khiến con chỉ muốn chống đối, ngày càng xa cách gia đình (7/8)
 Để trường học không là 'nỗi ám ảnh' với trẻ (3/8)
 7 cách giúp con vượt qua tuổi 'ẩm ương' (3/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i