Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ đau mắt đỏ tăng, phòng lây lan thế nào


Dạy trẻ hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay, nhỏ nước muối sinh lý khi đi bên ngoài về.

Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận gần 200 trẻ viêm kết mạc (đau mắt đỏ) đến khám tuần qua, trong khi trước đó rất ít. Các bệnh viện khác như Nhi đồng 1, Nhi đồng Thành phố, Mắt TP HCM... cũng cho biết số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tăng gần đây, với khoảng vài chục trẻ mỗi ngày.

Tương tự, tại Hà Nội, 4 tuần vừa qua, các cơ sở y tế chuyên khoa mắt và Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận số ca đến khám vì đau mắt đỏ tăng đôi so với cùng kỳ. PGS.TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương nhận định hiện thủ đô và một số tỉnh lân cận xuất hiện dịch viêm kết mạc cấp.

Trẻ khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Nguyễn Tâm

Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh viêm kết mạc ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, do thay đổi thời tiết, virus và vi khuẩn gây bệnh. Bệnh lây lan nhiều hơn, nguy cơ bùng thành dịch, khi các trường học đồng loạt bắt đầu năm học mới.

Đau mắt đỏ lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt, mũi, miệng như sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh, qua khăn rửa mặt, quần áo, nước trong bể bơi, qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh, dụi tay vào mắt...

Nguyên nhân gây viêm kết mạc thường là virus, trong đó khoảng 80% adenovirus, bên cạnh virus herpes, thủy đậu, poxvirus... Triệu chứng thường gặp bao gồm mắt đỏ do xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, dịch tiết dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh-vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn), sáng ngủ dậy trẻ khó mở mắt. Bên cạnh đó, trẻ có thể kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ... Đặc biệt, trẻ có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc) gây chảy máu.

Phương pháp điều trị hiện nay gồm rửa mắt bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%, nhỏ thuốc, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chủ động phòng ngừa cho trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa mắt khi đi bên ngoài về.

Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để sớm được thăm khám. Người mắc bệnh tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với mọi người xung quanh, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người. Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối. Khi khỏi bệnh, phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng tránh tái nhiễm trở lại.

Nguồn https://vnexpress.net/tre-dau-mat-do-tang-phong-lay-lan-the-nao-4649355.html