Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bình chữa cháy cho gia đình


 

Hiện trên thị trường có hai loại chính, bình chữa cháy khí CO2 và bình bột.

Nếu sử dụng trong gia đình có thể dùng bình bột 4kg hoặc 8kg, bình CO2 có thể mua bình 2kg hoặc 3kg. Giá trung bình từ 210.000 - 370.000đ/bình

Cách phân biệt và sử dụng

Bình bột, 8 kg. Giá: 280.000đ. Bình CO2, 2 kg hơi nén, của Trung Quốc. Giá: 320.000đ.

Bình CO2 lẫn bình bột đều có thể chữa được lửa do điện, xăng dầu, gas.
Bình CO2 có ưu điểm là sau khi sử dụng khí bay hết không làm ảnh hưởng đến những trang thiết bị, linh kiện điện, điện tử, vi tính.

Bình bột sau khi sử dụng, những trang thiết bị dính bột phải làm vệ sinh hoặc phải bỏ đi. Bình bột có khoảng cách dập gốc lửa được là 3 mét, trong khi đó bình CO2 có khoảng cách là 1,5 mét. Hơn nữa, CO2 khi phun, khí bị loãng ra trong môi trường, do đó phải cần một khoảng thời gian mới có hiệu quả.

Bảo quản bình chữa cháy

Nên chọn bình có trọng lượng vừa sức để mọi thành viên trong gia đình đều có thể sử dụng dễ dàng (thường là bình bột 4kg hoặc bình CO2, 2kg). Bình chữa cháy nên đặt nơi dễ thấy, không ẩm ướt; bảo dưỡng bình định kỳ khoảng 12 tháng/lần. Có thể tự kiểm tra bình CO2 tại nhà bằng cách cân. Bình 2kg có tổng trọng lượng 6kg; bình 3kg có tổng trọng lượng 10,5kg. Nếu cân thấy bình mất 20% trọng lượng cần đi kiểm tra ngay.

Bình bột thì kiểm tra đồng hồ gắn trên bình. Nếu kim chỉ vạch đỏ là bình đã mất áp lực phải đi kiểm tra. Nếu ở vạch xanh lục là bình tốt. Nếu ở vạch vàng là bình đang bị tăng áp lực do để gần nơi có nhiệt độ cao như bếp, ngoài trời nắng, nên dời bình đến chỗ mát để giảm áp về vạch xanh.

Đề phòng cháy

- Trong nhà, bình thường bếp là nơi dễ phát sinh gốc lửa. Nếu bếp nấu có ống khói, cần thường xuyên vệ sinh máng hút khói và ống khói. Hơi dầu mỡ lâu ngày sẽ bám thành lớp dày ở những vị trí này. Với sức nóng, lớp bám dày sẽ bị khô và biến thành than, đến một lúc nào đó sức nóng bên dưới sẽ làm lớp than tự bốc cháy gây nguy hiểm.

- Thường xuyên kiểm tra dây dẫn gas, đầu nối vào bình, vào bếp gas có bị thủng, rách hoặc lắp không kín.

- Nếu nhà có tấm trần bằng nhựa, tuyệt đối tránh gắn đèn áp lên trần nhựa. Sau thời gian sử dụng hoặc để đèn thắp sáng kéo dài, sức nóng của chấn lưu sẽ gây nóng chảy lớp nhựa. Đây cũng là nguyên nhân dễ sinh lửa.

- Cầu dao điện, cầu chì, aptômát là những thiết bị cần được kiểm tra định kỳ. Sau thời gian sử dụng, các thiết bị này dễ bị các tia lửa điện phát sinh làm chai cứng, chảy nhựa... từ đó dễ phát sinh lửa.

Theo SGTT