Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Món nên tránh khi mới ăn dặm


Cho bé ăn sớm thịt, cá, cam quýt, bắp cải, cà chua... có thể làm bé bị dị ứng hoặc rối loạn tiêu hóa.

Thịt và cá

Nhiều người mẹ cho bé ăn thịt ngay khi bé được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên, tốt nhất nên chờ đợi một vài tuần sau đó mới cho bé ăn thịt. Ăn cá thì nên cho ăn muộn hơn. Bởi cả thịt và cá đều giàu đạm, có thể gây khó tiêu. Chưa kể, có còn có mùi tanh, có liên quan tới một số dị ứng ở bé.

Động vật có vỏ

Nên tránh động vật có vỏ (ốc, hến, sò...) cho tới khi bé được khoảng 9 tháng, bởi loại này dễ gây dị ứng và khiến bé bị ngộ độc thực phẩm. Tránh cho bé ăn tôm, cua, sò, hến ở lúc mới 6 tháng vì nó có thể làm bé bị rối loạn tiêu hóa.

Sữa bò

Sữa bò không phù hợp với bé dưới 12 tháng tuổi vì nó không đủ vitamin, chất béo như sữa công thức hay sữa mẹ.

Phômai

Mới ăn dặm, các sản phẩm từ sữa như phômai có thể làm bé bị dị ứng. Do đó, bạn nên đợi một ít thời gian rồi mới cho bé ăn. Tránh cho bé ăn phômai mềm, phômai chưa tiệt trùng hoặc có màu xanh trong năm đầu tiên do nguy cơ nhiễm khuẩn Listeria.

Cam quýt, dâu, kiwi, cà chua

Ít nhất trong tháng đầu ăn dặm, nên tránh cho bé ăn các loại quả trên để đề phòng dị ứng. Các loại quả an toàn hơn bạn có thể thử cho bé gồm chuối, táo, lê, xoài.

Bắp cải, tỏi, hành tây

Một số bé mới ăn dặm bị trướng, đầy bụng với bắp cải, tỏi, hành tây. Do đó, nên tránh cho bé một thời gian, khi bé đã quen với ăn dặm.

Trứng

Để giảm nguy cơ dị ứng, tránh cho bé ăn trứng (hay thực phẩm chứa trứng như nước sốt, bánh ngọt) ngay khi bé vừa ăn dặm. Trứng nấu chín kỹ, chẳng hạn như trứng luộc có thể cho bé ăn được ở tháng thứ 7 nhưng trứng sống hoặc trứng luộc lòng đào thì không được cho bé ăn.

Các loại ngũ cốc

Sản phẩm gluten trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và yến mạch hoặc như bánh mì, mì ống đôi khi có thể gây dị ứng hay khó tiêu cho bé. Nên chờ sau khi bé ăn dặm được một vài tuần mới nên giới thiệu cho bé những món này. Ban đầu, nên cho bé dùng bột gạo để tránh dị ứng.

Các loại hạt

Các loại hạt có thể tiềm ẩn nguy cơ nghẹt thở. Do đó, không cho bé ăn nguyên hạt hoặc hạt cắt nhỏ khi bé còn tuổi ăn dặm. Tất nhiên, bé có thể ăn các loại hạt như hạt đỗ, hạt ngô... được chế biến đúng cách ở khoảng 8 tháng tuổi nhưng cần đảm bảo gia đình không có tiền sử dị ứng, hen suyễn hay chàm. Khi mới cho bé ăn hạt, nên cẩn thận xem xét các phản ứng khác lạ của bé.

Patê

Không cho bé dưới 12 tháng tuổi ăn patê để tránh nguy cơ ngộ độc.

Mật ong

Không bao giờ được cho bé dưới 12 tháng tuổi ăn mật ong vì nó có thể gây ngộ độc.

Đường

Để tránh nguy cơ sâu răng và hại thận thì không nên nêm đường vào đồ ăn dặm. Bạn cũng nên tránh cho bé những loại thực phẩm có hàm lượng đường cao như bánh quy, nước quả ép, nước bí ép, ngũ cốc có đường...

Muối

Thận của bé còn non nớt nên không thể xử lý được muối. Bởi vậy, không được thêm muối vào đồ ăn dặm của bé. Tránh thức ăn có muối như xúc xích, thịt xông khói, giăm-bông cho tới khi bé được 12 tháng.

Theo Mevabe